Du xuân ở miền Tây nhất định không thể bỏ qua 6 ngôi chùa vừa linh thiêng vừa độc đáo này

CTV
6 ngôi chùa với lối kiến trúc vô cùng đẹp mắt sẽ khiến hành trình du xuân ở miền Tây của bạn thú vị hơn rất nhiều!

Chùa Bà

Nhắc tới những ngôi chùa ở Miền Tây Nam Bộ, người ta không thể không nhắc tới Miếu Bà Chúa Xứ người dân thường gọi là Chùa Bà tọa lạc dưới chân Núi Sam, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Được biết đến với sự linh thiêng “cầu gì được nấy”, cùng với kiến trúc độc đáo, Chùa Bà trở thành điểm du lịch An Giang về tâm linh nổi tiếng bậc nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước Nam Bộ. Lễ hội diễn ra từ ngày 22 đến 27- 4 âm lịch, thu hút khoảng 4,5 triệu lượt du khách mỗi năm đến hành hương, dâng lễ cũng như chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất An Giang và đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001.

Chùa Vĩnh Tràng

Được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, chùa Vĩnh Tràng hay còn gọi Vĩnh Trường là nơi thờ Phật nổi tiếng ở Tây Nam Bộ. Chùa được xây dựng trên diện tích 14.000 m2 theo kiến trúc Á – Âu nhưng không làm mất đi nét điêu khắc truyền thống Việt Nam. Hiện nay chùa còn là nơi lưu giữ đến hơn 60 tượng Phật bằng gỗ, đồng, đất nung,…. được tạc vào và thếp vàng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Trong khuôn viên nhà chùa là những hàng cột cao thanh mãnh kết hợp cùng mái vòm cong, được trang trí với đủ hoa văn rực sắc. Đặc biệt, những hạng mục kiến trúc độc đáo như vòm cửa kiểu La Mã, bộ phù điêu bát tiên cưỡi thú, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật,… càng tạo nên sự nổi bật cho chùa Vĩnh Tràng, khiến nơi đây như một bảo tàng kiến trúc thu nhỏ.

Ngoài ra, dù có sự kết hợp của kiến trúc châu Âu nhưng chùa Vĩnh Tràng vẫn giữ được cho mình nét cổ kính Á Đông với những cây cột cái đeo long trụ, có chạm khắc chim phượng trên đầu rồng, mang đến nét đẹp khác biệt cho ngôi chùa.

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi

Nói đến những ngôi chùa nổi tiếng nhất miền Tây chắc chắn không thể không nhắc tới chùa Phật Ngọc Xá Lợi. Đây là một ngôi chùa bề thế, nguy nga với lối kiến trúc tuyệt đẹp nằm tại ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi, thuộc thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng chính là ngôi chùa lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

Chùa Phật Ngọc Xá Lợi được xây dựng từ năm 1970 trên vùng đất rộng 1,7 ha và do Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trụ trì. Năm 2015, chùa tiếp tục trải qua một cuộc trùng tu rất lớn và trở thành ngôi chùa nguy nga, lộng lẫy như hiện nay.

Với lối kiến trúc độc đáo, đầy tinh xảo, chùa Phật Ngọc Xá Lợi luôn được xem là một trong những địa điểm nhất định phải check in nếu có dịp đặt chân đến vùng đất Vĩnh Long. Nổi bật nhất trong khuôn viên chùa đó là tòa bảo tháp cao 45 mét cùng bức tượng Quan Thế Âm màu xanh ngọc cao 32 mét.

Chùa Dơi

Cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng chừng 2,5 km về phía Đông Nam, chùa Dơi (còn gọi là chùa Mã Tộc hay Mahatúp) là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt, chùa là nơi cư trú của hàng nghìn con dơi quạ có trọng lượng từ 1 - 1,5 kg với sải cánh đến rộng đến 1,5 m.

Theo như ghi chép của các thư tịch cổ, chùa Dơi được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI (1569) với tên gọi theo tiếng Khmer là “Serây tê chô mahatúp” có nghĩa là ngôi chùa “do phúc đức tạo nên”. Ban đầu xây dựng, đa phần các hạng mục đều sử dụng các vật liệu từ gạch, gỗ cây, mái lá và vách đất là chính. Dần về sau, chùa thường xuyên trùng tu, mở rộng quy mô khuôn viên và hoàn thiện phong cách Angkor Campuchia truyền thống kết hợp lối kiến trúc Việt đặc sắc như bây giờ.

Đến nay sau gần 400 năm, chùa Dơi vẫn còn giữ nguyên vẹn những hiện vật quý giá như pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2 m, một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda, nhiều cây đèn dầu quý, gian nhạc cụ truyền thống của người Khmer cùng các bộ kinh luật cổ viết trên lá cây thốt nốt. Năm 1999, chùa Dơi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Chùa Phước Điền (Chùa Hang)

Chùa Hang còn có tên gọi khác là chùa Phước Điền, nằm trên triền núi Sam thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Cách cụm di tích chùa Tây An, miếu bà Chùa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu khoảng 1km. Với kiến trúc độc đáo, không gian thanh tịnh, chùa Phước Điền thu hút rất đông du khách đến tham quan, lễ phật. Câu chuyện về cặp mãng xà quy y nơi cửa Phật càng khiến ngôi chùa này được phủ lên một lớp hào quang linh thiêng, huyền ảo… Đặc biệt từ sân chùa, khách thập phương có thể nhìn cảnh núi non, ruộng đồng bát ngát.

Chùa Som Rong

Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer này có tên đầy đủ là Wat Pătum Wôngsa Som Rông. Chùa được chính thức hoàn thành vào năm 2017 và nhanh chóng trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất của tỉnh Sóc Trăng. Khuôn viên chùa được chia thành nhiều khu vực khác nhau, nổi bật nhất là ngôi bảo tháp được đặt ngay lối đi vào chùa và song song với ngôi chánh điện. Ngôi bảo tháp có bốn hướng và có bốn lối đi, là đại diện của từ, bi, hỷ, xả. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer cổ được trạm khắc rất tinh tế, sắc sảo.

Màu sắc sặc sỡ cùng những họa tiết trang trí được điêu khắc, mạ vàng tỉ mỉ của không gian bên trong cũng sẽ khiến bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chỉ cần mặc trang phục nổi bật và tạo dáng phù hợp, bạn đã có ngay một bộ ảnh đậm chất Á Đông giống hệt những tấm ảnh được chụp trong các ngôi chùa cổ ở Indonesia, Thái Lan…