Hiện trường kinh hoàng vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, tương đương 300 quả bom nguyên tử

CTV
Trận động đất kinh hoàng đã khiến hơn 3.800 người thiệt mạng nhưng Tổ chức Y tế Thế giới WHO lo ngại con số này có thể tăng lên đến 20.000 người.

Xem thêm clip: Hiện trường động đất khiến ít nhất 3.800 người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nguồn: Reuters

Ngày 6/2/2023, trận động đất mạnh 7,8 độ richter và 7,5 độ richter đã lần lượt đổ bộ vào 2 quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đây là một trong những trận động đất mạnh nhất trong 1 thế kỷ qua, tàn phá ít nhất 12 thành phố.

Các trận động đất kép cũng gây ra cảnh báo sóng thần các bờ biển Địa Trung Hải của Hy Lạp, Síp và Ý, thậm chí sự rung chuyển có thể cảm nhận được ở tận Ai Cập và Iran.

Hầu hết các nạn nhân đang ngủ khi trận động đất đầu tiên xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 6/2 theo giờ địa phương. Nó xảy ra gần thành phố Gaziantep, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, ở độ sâu khoảng 24 km. Trận động đất mạnh kéo theo hàng chục cơn dư chấn mạnh làm sụp đổ các tòa nhà thành những đống bụi lớn. Tới khoảng 13h30, một trận động đất nữa lại xảy ra khiến nhiều người náo loạn chạy ra đường. Miền bắc Syria cũng bị tàn phá bởi trận động đất kép khiến các tòa nhà rung chuyển dữ dội rồi sụp đổ.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và Thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 2.316 người được xác nhận đã thiệt mạng, 13.000 người khác bị thương và 5.600 tòa nhà bị phá hủy. Tại Syria, ít nhất 1.444 người thiệt mạng và khoảng 3.500 người bị thương. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới WHO lo ngại con số người thiệt mạng có thể tăng lên đến 20.000 người khi lực lượng cứu hộ tìm thấy nhiều nạn nhân hơn trong đống đổ nát. Ngoài ra, việc nhiệt độ hạ xuống rất thấp cũng gây ra nhiều khó khăn trong công tác cứu hộ.

Nhà địa vật lý người Thổ Nhĩ Kỳ Ovgun Ahmet Ercan nhận định rằng trận động đất này có sức tàn phá mạnh tương đương với sức nổ của 300 quả bom nguyên tử cùng lúc. Hiện nay, nhân lực tìm kiếm cứu nạn quá ít. Trung bình, cứ 20 tòa nhà bị sập thì chỉ có 1 đội cứu hộ cứu nạn. Do đó, nhiều nạn nhân có thể thiệt mạng vì bỏ lỡ thời gian vàng để cứu nạn.

Trận động đất cũng khiến 3 sân bay lớn trong khu vực không thể hoạt động, làm phức tạp thêm việc vận chuyển hàng viện trợ quan trọng.

Cô Melisa Salman, sống tại vùng Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết cô sống trong vùng động đất nên đã quen với các dư chấn rung chuyển. Tuy nhiên, cô chưa từng gặp thảm họa nào kinh hoàng như thế này: "Chúng tôi nghĩ đó là ngày tận thế".

"7 thành viên của gia đình tôi vẫn đang nằm dưới những đống đổ nát", Muhittin Orakci, một người may mắn sống sót sau trận động đất tại thành phố Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, bàng hoàng nói.

Ngày 7/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố 7 ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng.

Hiện nay, còn rất nhiều nạn nhân, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ, còn đang mắc kẹt trong những đống đổ nát. Nhiều quốc gia đã gửi nhân viên cứu hộ và trang thiết bị tới hỗ trợ. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang ưu tiên cứu hộ và giúp đỡ các nạn nhân vượt qua thảm họa tàn khốc này.