Người phụ nữ 38 tuổi bị vòng tránh thai đâm thủng đại tràng

Sau thời gian đau bụng kèm đi ngoài ra máu, chị L. đến viện khám và được bác sĩ phát hiện chiếc vòng tránh thai đã đâm xuyên tử cung vào đại tràng của chị.

Khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, BV Bạch Mai vừa điều trị phẫu thuật cho một phụ nữ bị vòng tránh thai đâm xuyên thành tử cung vào thành đại tràng Sigma. Đây là trường hợp của chị H.H.L (38 tuổi) vào viện vì đau bụng vùng chậu dưới rốn âm ỉ, kèm đi ngoài ra máu.

Theo Sức khỏe & Đời sống, chị L. đặt dụng cụ tránh thai cách đây 3 năm và không đi kiểm tra lại. Kết quả thăm khám và các xét nghiệm, soi đại tràng và chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh dụng cụ tử cung nằm 1 đầu ở trong lòng đại tràng sigma, 1 đầu nằm chặt trong thành của đại tràng sigma phía bờ mạc treo.

Hình ảnh nội soi đại tràng phát hiện vòng tránh thai. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai.

Với vị trí này, bác sĩ không thể lấy dụng cụ tử cung qua đường nội soi ống mềm do có thể gây thủng đại tràng vào ổ bụng làm nặng thêm cho người bệnh. Vì vậy, các bác sĩ quyết định phẫu thuật để lấy dụng cụ tử cung lạc chỗ và xử lý chỗ thủng đại tràng. Phẫu thuật nội soi hoàn toàn là phương pháp được lựa chọn vì là phương pháp ít xâm lấn nhất cho người bệnh.

Theo BS. Nguyễn Hàm Hội, Khoa Phẫu Thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, BV Bạch Mai, trong quá trình tiến hành ca mổ nội soi, đoạn đại tràng sigma bị dụng cụ tử cung xuyên thủng được cắt bỏ, 2 đầu đại tràng được nối lại cũng qua nội soi nên vết mổ chỉ khoảng 3cm đủ để lấy bệnh phẩm ra ngoài.

Ngay ngày đầu tiên sau mổ, bệnh nhân được ăn cháo và tập đứng dậy, vận động đi lại. Bệnh nhân được xuất viện sau 6 ngày.

Theo các bác sĩ, đặt vòng tránh thai là biện pháp tránh thai an toàn và có thể đạt hiệu quả lên đến 98% - 99%. Cách tránh thai này được nhiều phụ nữ lựa chọn vì có thể sử dụng lâu dài, ít có khả năng gây hại cho cơ thể, quá trình đặt vòng đơn giản và chi phí tương đối thấp, dễ dàng có thai lại sau khi tháo vòng.

Tuy nhiên, vòng tránh thai có thể di chuyển xuyên thủng tử cung với tỷ lệ từ 1,3-1,6 trên 1.000 lần đặt. Sau khi xuyên qua tử cung, vòng tránh thai có thể rơi vào ổ bụng hoặc nằm trong khung chậu, thậm chí có thể xuyên thủng tiếp vào các cấu trúc lân cận như bàng quang, đại tràng, ruột non và hình thành các đường rò tử cung - bàng quang hoặc tử cung - ruột.

Để tránh biến chứng dụng cụ tránh thai lạc chỗ và xử lý kịp thời khi lạc chỗ, các bác sĩ lưu ý:

- Tránh đặt vòng tránh thai trong thời kỳ hậu sản, thời kỳ cho con bú

- Sử dụng vòng tránh thai nhựa plastic hơn là dụng cụ bằng kim loại

- Làm thủ thuật bằng dụng cụ phù hợp và tránh thô bạo.

- Việc đặt vòng tránh thai cần được thực hiện bởi người có kinh nghiệm.

- Khám và theo dõi định kỳ.

Vòng tránh thai đi lạc chỗ tuy hiếm gặp nhưng biến chứng và hậu quả nó để lại có thể rất nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng. Để hạn chế các tai biến không mong muốn, chị em cần đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để thực hiện các thủ thuật đặt dụng cụ tránh thai và kiểm tra định kỳ theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi có dấu hiệu bất thường như đau bụng, sốt, đi ngoài, đi tiểu ra máu, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám và phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Hay ăn thịt bò tái, cô gái Quảng Ninh một ngày rợn người thấy sinh vật lạ bò ra khỏi cơ thể

Ngày 31/3, thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, một nữ bệnh nhân 28 tuổi, ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh đến khám tại Bệnh viện vì bị đau bụng, ngứa hậu môn, đại tiện phân lỏng ra sán, đôi khi sán tự ra đường hậu môn. Bệnh nhân chia sẻ, có thói quen ăn bún bò tái kèm rau sống khoảng 3-4 lần/tháng.

Dựa vào thông tin từ người bệnh, kết hợp với thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán nữ bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò, chỉ định điều trị thuốc đặc trị theo phác đồ. Sau 24h theo dõi, bệnh nhân tiếp tục cho ra một đốt sán dây khoảng 3-4cm, sức khỏe dần ổn định.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn đang khám cho bệnh nhân nhiễm sán dây bò. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy. 

Theo bác sĩ CKI Trần Quốc Tuấn - Phó Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Bãi Cháy: Khi người ăn thịt có nang ấu trùng sán dây bò chưa được nấu chín, còn tái hoặc sống, nang ấu trùng vào ruột người. Sau đó, ấu trùng sẽ thoát ra khỏi nang, đầu lộn ra ngoài, nhờ giác hút, sán bám vào niêm mạc ruột thường ở phần trên hỗng tràng. Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hoá..., gây ra các triệu chứng cho người bệnh như đau bụng, ăn không ngon, sụt cân hoặc chóng mặt, đau đầu, thiếu máu hoặc thậm chí là hạ huyết áp... 

Nhóm bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán xâm lấn có thể bị các biến chứng nghiêm trọng tùy thuộc vào nơi ấu trùng cư trú như: Co giật, đau đầu dữ dội, rối loạn ý thức (ấu trùng tại não); Tăng nhãn áp, giảm thị lực (ấu trùng tại mắt); Làm tim đập nhanh khiến người bệnh thở thở và dễ ngất xỉu (nang ấu trùng tại cơ tim)...

Theo nghiên cứu, tại Việt Nam, bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò chiếm chủ yếu 70-80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10-20%. Nguyên nhân bệnh nhân nhiễm sán dây bò hoặc sán dây lợn là do ăn thịt bò, lợn tái, sống có ấu trứng sán còn sống, nở thành sán trưởng thành ký sinh trong ruột non. Sán dây bò có thể sống từ 20-30 năm ký sinh cùng bệnh nhân, kích thước có thể dài tới 4-12m.

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, mọi người cần vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống sạch sẽ, thực hành “ăn chín, uống sôi”, không nên ăn các thực phẩm (rau, củ, thịt bò, thịt lợn,…) tái hoặc sống. Khi có các triệu chứng nhiễm sán (đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, gầy sút cân…) cần đi khám để được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh mầm bệnh lây lan cho cộng đồng.

 (Bệnh viện Bãi Cháy)

18 học sinh lớp 5 phải nhập viện sau khi uống trà sữa, ăn trái cây lắc

Theo trang Zing, sáng 31/3, ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, cho biết 18 em học sinh lớp 5 trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, xã Điện Phong đang được điều trị, theo dõi nghi do ngộ độc thức ăn.

Khoảng 15h30 ngày 30/3, giáo viên trường Tiểu học Trần Hưng Đạo phát hiện một học sinh lớp 5C có triệu chứng đau đầu, nôn mửa kèm theo đau bụng. Sau đó, 17 học sinh cùng lớp khác đều có triệu chứng tương tự. Nhà trường đã đưa 18 học sinh này đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Điện Bàn.

Theo báo Người lao động, ngày 31/3, Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết đã thu thập mẫu thức ăn mà các em học sinh sử dụng và bị ngộ độc để gửi Viện Pasteur Nha Trang kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Sức khỏe các học sinh hiện đã ổn định. Ảnh: NLD

Theo các giáo viên, 18 học sinh bị các triệu chứng trên sau khi dùng trà sữa, trái cây lắc khoảng 15 phút. Trong đó, món trà sữa có nguồn gốc tại một cơ sở ở khu phố chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên); món trái cây lắc do các cô trong trường mua trái cây ở chợ rồi tự chế biến ở nhà mang tới cho các em ăn mừng liên hoan hội trại. Tổng cộng có 34 học sinh sử dụng món ăn, có 16 học sinh không có triệu chứng.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, sức khỏe 18 học sinh bị ngộ độc thức ăn đã ổn định, trong hôm nay đơn vị sẽ cho phép những em khỏe được về nhà.

T.H (TỔNG HỢP)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/index.php/nguoi-phu-nu-38-tuoi-bi-vong-tranh-thai-dam-thung-dai-trang-a589370.html