Con cháu ở xa, ông bà ngoại cô đơn, quyết sinh thêm con cho “vui cửa vui nhà” và cái kết có hậu

Dù các bác sĩ khuyến cáo, mang thai và sinh con ở tuổi U50 sẽ có nhiều nguy cơ, rủi ro về sức khỏe, vợ chồng bà Lan vẫn quyết định sinh thêm con và đã chào đón một bé gái tuổi rồng.

Bác sĩ khuyên không nên mang thai vẫn cứ “liều”

Vợ chồng chị Lan (48 tuổi, ở Hà Nội) trước đây sinh được một người con gái. Chị cho biết, con gái đã lấy chồng và sinh con. Mấy năm nay, vợ chồng con gái vào TP.HCM sinh sống và làm việc, ít có thời gian ra Hà Nội thăm bố mẹ. Không có con cháu bên cạnh thường xuyên khiến vợ chồng chị Lan thấy trống trải, mong muốn sinh thêm con cho “vui cửa vui nhà” vào năm 2022.

Quyết định của vợ chồng chị Lan bị nhiều người quen, họ hàng phản đối, lo “cha già con cọc” hoặc “sau này cháu bế cậu/dì”. “Tôi không ngại sinh thêm con dù đã làm bà ngoại”, chị Lan nói. Chị cũng cho biết, quyết định của hai vợ chồng mình được con gái và cháu ngoại ủng hộ. 

Vợ chồng chị Lan quyết định sinh con ở tuổi U50 cho vui cửa vui nhà. Ảnh: BVCC.

Do tuổi đã cao, vợ chồng chị Lan quyết định tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản một bệnh viện tư ở Hà Nội để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). PGS.TS.BS Lê Hoàng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương, hiện là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản là người trực tiếp tư vấn cho vợ chồng chị.

Bác sĩ Hoàng giải thích những rủi ro nếu sinh con ở tuổi đã cao sẽ có nguy cơ dị tật cao, quá trình mang thai và giữ thai có thể vất vả, gian nan. Tuy nhiên, vợ chồng chị Lan vẫn quyết định. 

Mẹ hạnh phúc khi sinh con gái tuổi rồng ở tuổi 48

Bác sĩ Hoàng cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, chỉ số dự trữ buồng trứng AMH của chị Lan chỉ còn 0.03 ng/ml, tức rất ít noãn, khả năng thụ thai thấp. Sau 3 chu kỳ kích thích nhẹ buồng trứng, bác sĩ mới thu được hai nang trội. Chỉ một noãn đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), tạo được phôi duy nhất.

Con gái chị Lan chào đời khỏe mạnh, nặng 2,5kg. Ảnh: BVCC.

“May mắn xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT) sàng lọc phôi không phát hiện bất thường nhiễm sắc thể. Phôi sau đó được trữ đông và được theo dõi kỹ. Tuy nhiên, nếu chuyển phôi không thành công, chị Lan không còn cơ hội sinh con bằng trứng của mình”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Do niêm mạc tử cung của chị Lan rất mỏng, nên phải sau 4 chu kỳ theo dõi điều trị, chị mới đủ điều kiện tiếp nhận phôi. Tháng 6/2023, sau khi bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân cải thiện độ dày niêm mạc, chị Lan mới được chuyển phôi duy nhất vào buồng tử cung và đậu thai.

Bác sĩ Hoàng cho biết, suốt quá trình mang thai, chị Lan bị tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ và bị dọa sảy thai 2 lần. Ở tuần thai 36, chị có dấu hiệu phù toàn thân, huyết áp cao do tiền sản giật và phải sinh mổ khẩn cấp.

Ca sinh mổ của người mẹ 48 tuổi thành công. Được ôm con gái tuổi rồng nặng 2,5kg vào lòng, chị Lan nói bằng giọng hạnh phúc: “Quá trình gần 2 năm chuẩn bị và mang thai, tôi có cảm giác như 20 năm”.

Nhu cầu sinh con ở tuổi trung niên đang có xu hướng tăng

Theo bác sĩ Hoàng, những năm qua, nhu cầu sinh thêm con ở tuổi trung niên tại nước ta đang có xu hướng tăng. Tại trung tâm, tỷ lệ phụ nữ 40 - 50 tuổi đến khám và tư vấn sinh con tăng 42% so với 2 năm trước, chiếm 20% số bệnh nhân điều trị hỗ trợ sinh sản. Trong đó, 50% trường hợp chưa có con đầu lòng và 50% có nhu cầu sinh thêm con.

Các nghiên cứu về tỷ lệ sinh con của phụ nữ chỉ ra, tỷ lệ có thai giảm từ 55% ở phụ nữ dưới 30 tuổi xuống còn 10% khi trên 40 tuổi, và dưới 1% nếu trên 45 tuổi. Ở phụ nữ 45 tuổi, tỷ lệ sảy thai hơn 50% ngay cả khi đã thụ thai thành công bằng trứng của mình.

“Phụ nữ lớn tuổi thường có sự nghiệp, đủ điều kiện vật chất và thời gian, nhưng mang thai, giữ thai và sinh nở trở nên khó khăn. Với các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm là cách giúp họ được làm mẹ”, bác sĩ Hoàng nói. 

Bác sĩ Hoàng cho biết, số người sinh con ở tuổi trung niên đang có xu hướng tăng. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ, ngoài chị Lan, tại trung tâm, trước đây có người phụ nữ trên 47 tuổi, thậm chí đã mãn kinh, vẫn có thể mang thai nhưng nhờ trứng hiến tặng. Trường hợp của chị Lan nằm trong số ít những người U50 sinh con thành công từ trứng của chính mình. “Người mẹ càng lớn tuổi, khả năng sinh con mắc các bệnh liên quan rối loạn nhiễm sắc thể như hội chứng down, edwards… càng cao. Nghiên cứu cho thấy người mẹ 25 tuổi, tỷ lệ sinh con mắc bệnh down chỉ 1/1.250. Nhưng người mẹ trên 45 tuổi, tỷ lệ này là 1/30”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, mang thai khi lớn tuổi cũng gây nguy cơ tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật… cao hơn. Quá trình mang thai dễ khiến các bệnh mạn tính (nếu có) tăng nặng, tăng nguy cơ sinh non, sảy thai. Thai nhi có nguy cơ dị tật bẩm sinh như dị tật tim, phổi, cơ xương, thai chậm phát triển, nhẹ cân, thai lưu…

Bác sĩ Hoàng khuyên, phụ nữ lớn tuổi có ý định sinh con cần nhận thức rõ và cân nhắc các nguy cơ để có quyết định chính xác. Các chị em cần chuẩn bị tâm lý, sức khỏe, vật chất kỹ lưỡng và điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế rủi ro, tăng tỷ lệ thành công.

DIỆU THUẦN

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/index.php/con-chau-o-xa-ong-ba-ngoai-co-don-quyet-sinh-them-con-cho-vui-cua-vui-nha-va-cai-ket-co-hau-a612217.html