Con gái đi ngủ lúc nào cũng giữ một thứ đồ bên cạnh, vào phòng nghe mùi khó chịu, mẹ choáng váng

Nhiều lần người mẹ muốn vứt đi, nhưng con gái lại phản ứng dữ dội.

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ khi đã cảm thấy gần gũi, thân quen với một thứ gì đó, trẻ rất dễ hình thành sự yêu thích đặc biệt, thậm chí là có tính phụ thuộc lâu dài, lúc nào cũng giữ bên cạnh mình, không thể thiếu được. Nhiều người gọi đó là “vật bất ly thân” của trẻ, chẳng hạn như búp bê, đồ chơi, gấu bông,...

Cách đây không lâu, một bà mẹ ở Quảng Châu, Trung Quốc đã đăng tải một số hình ảnh về con gái mình đang ngủ với một miếng giẻ che trên mũi, nhờ cộng đồng mạng mách cách giúp mình “trị” hành vi tôn sùng thái quá này của con. Theo đó người mẹ này cho biết, đây là chiếc váy mà lúc nhỏ chị mua cho đứa trẻ, và con cực kỳ thích nó. 

Nhưng hiện tại chiếc váy này đã bị hư hỏng theo thời gian, trở nên giống như một miếng vải rách nát, dẫu vậy con gái chị vẫn coi nó như báu vật. Tối nào cô bé cũng phải ôm nó hít hà để dễ dàng đi vào giấc ngủ. Thậm chí chiếc váy cũ biến dạng này nhiều lúc phát ra mùi hôi, nhưng cô con gái vẫn không cho mẹ mang giặt hoặc vứt bỏ vì sợ sẽ mất mùi quen thuộc. Mỗi lần người mẹ đụng tới nó là con gái lại nổi cơn thịnh nộ, khóc rống lên.

Tình trạng này khiến bà mẹ rất lo lắng. Một số cư dân mạng thẳng thắn khuyên phụ huynh nên đưa con đi khám. Trên thực tế, nhiều đứa trẻ có cảm giác tôn sùng sau một thời gian dài gắn bó với một món đồ yêu thích, có cảm tình sâu sắc với nó là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu vì điều này mà trẻ thể hiện những hành vi thái quá thì bố mẹ cần để con nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt. Họ sẽ kịp thời phát hiện ra những vấn đề bất thường ở trẻ, và đưa ra hướng dẫn phù hợp để cải thiện tình hình cho con tốt hơn.

Tính “tôn sùng” của trẻ có bình thường không?

Trong quá trình khôn lớn, nhiều đứa trẻ sẽ hình thành tính tôn sùng. Một món đồ chơi, hoặc vật dụng thường xuyên đồng hành cùng trẻ trong suốt một khoảng thời gian dài sẽ mang lại cho bé cảm giác an toàn, quen thuộc mạnh mẽ. Thậm chí nhờ có "vật bất ly thân" này mà trẻ có thể đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và chất lượng hơn.

Khi đến một độ tuổi nhất định, sự phụ thuộc của trẻ vào một thứ gì đó sẽ yếu dần theo thời gian và thay vào đó bé sẽ phát triển tính độc lập. Tuy nhiên, nếu sự tôn sùng của một số trẻ có dấu hiệu nghiêm trọng và sự phụ thuộc của chúng rất mạnh mẽ, thậm chí vấn đề này khó có thể khắc phục thì giáo dục của bố mẹ là quan trọng. Sự trợ giúp của bác sĩ, nhà tâm lý cũng thực sự cần thiết trong hoàn cảnh này.

Cha mẹ nên làm gì khi có con quá "sùng bái" một thứ?

- Tạo cho trẻ cảm giác an toàn

Nếu cha mẹ phát hiện con mình phụ thuộc nghiêm trọng vào một thứ gì đó khi chúng còn nhỏ, cha mẹ có thể giảm bớt sự phụ thuộc của con bằng cách tạo cho con cảm giác an toàn, chẳng hạn như vỗ về con khi ngủ, đợi con ngủ say rồi mới rời đi và thường nói những lời ấm áp, ngọt ngào với con, ví dụ "Mẹ yêu con, mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con nên con đừng lo lắng nhé". Cha mẹ tuyệt đối đừng bao giờ nói: “Mẹ không cần con nữa, con là đứa con hư”.

- Từ từ làm suy yếu cảm giác phụ thuộc của trẻ

Sự gắn bó của một đứa trẻ với điều gì đó thực chất là quá trình tìm kiếm sự thoải mái cho bản thân. Đó là một nhu cầu tâm lý nên cha mẹ không nên làm ầm ĩ lên. Nếu cha mẹ chỉ trích, la mắng thì sẽ chỉ làm cho vấn đề tệ hơn, con trẻ cảm thấy lo lắng, mất sự an toàn hơn. Thay vào đó, cha mẹ có thể khám phá đúng sở thích của con, cho con tham gia nhiều hoạt động khác nhau để đánh lạc hướng và làm giảm sự chú ý của con. Bằng cách này, đứa trẻ sẽ không tốn quá nhiều sức lực và thời gian để phụ thuộc vào duy nhất một thứ đồ gì đó.

- Đừng bao giờ dùng biện pháp ép buộc

Một số cha mẹ cứng rắn đã sử dụng cách vứt bỏ những món đồ "bất ly thân" của con. Phương pháp này rất dễ làm cho khả năng phòng thủ tâm lý của trẻ bị đánh bại, khiến tinh thần trẻ trở nên hoảng loạn, cảm xúc tổn thương, bất an ngày càng lớn sẽ càng có nguy cơ gây hại cho trẻ.

- Dành cho con sự quan tâm và đồng hành nhiều hơn

Như đã đề cập trước đó, sự gắn bó của trẻ với một thứ đồ có thể liên quan đến việc con bị thiếu tình yêu thương, sự quan tâm trong quá trình trưởng thành. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, việc quan tâm, đồng hành nhiều hơn với trẻ của bố mẹ sẽ giúp trẻ hình thành cảm giác an toàn, có thể làm giảm đáng kể sự phụ thuộc thái quá của trẻ với đồ vật.

Bằng cách này, trẻ có thể dần thích nghi và chấp nhận những thay đổi diễn ra trong cuộc sống xung quanh mình, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc rèn luyện tính tự lập của trẻ về sau.

KIỀU TRANG

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/index.php/con-gai-di-ngu-luc-nao-cung-giu-mot-thu-do-ben-canh-vao-phong-nghe-mui-kho-chiu-me-choang-vang-a612691.html