Câu hỏi tiểu học: Đồng nghĩa với "mới" là gì? Đáp án 2 từ cô giáo đưa ra khiến phụ huynh hoang mang

Nhiều phụ huynh bất ngờ trước câu trả lời "có như không" của cô giáo.

Ở bậc tiểu học, trẻ đã được tiếp xúc với đa dạng các bài tập tiếng Việt như điền từ, đặt câu, tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa. Mặc dù đây là những dạng bài không có tính lắt léo hay mẹo gì cả, nhưng đòi hỏi trẻ phải có một lượng từ vựng phong phú để có thể tìm ra được đáp án chuẩn xác nhất. Trong một số tình huống, đáp án cô giáo đưa ra thực sự không thuyết phục, và không chỉ khiến học sinh mà phụ huynh cũng cảm thấy hoang mang, khó hiểu.

Ví dụ như trong một hội nhóm nuôi dạy con, một bài tập tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học được chia sẻ đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các bậc phụ huynh. Cụ thể, cô giáo đã giao bài tập với đề bài tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa của các từ “mới, nhỏ, nhiều”.

Trong 3 từ này, từ “mới” đã gây ra nhiều phẫn nộ cho phụ huynh. Khi học sinh không thể tìm ra được đáp án của từ đồng nghĩa với “mới”, bé đã nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ. Tuy nhiên, phụ huynh cũng “bó tay” chịu thua trước câu hỏi này. Vì không tìm được câu trả lời dù đã nhờ sự trợ giúp của google, nên phụ huynh đã nhắn tin cho cô giáo để hỏi. Lúc này, đáp án cô giáo đưa ra càng khiến cho vị phụ huynh hoang mang hơn.

Trên hội nhóm, không bố mẹ nào đồng tình trước câu trả lời của cô giáo, họ cho rằng nó hoàn toàn không thuyết phục vì về cơ bản “mới” hay “mới mẻ” thì đều mang ý nghĩa như nhau, chỉ khác về số chữ. Vậy nên, đáp án của cô giáo không thoả mãn yêu cầu để bài, “có cũng như không”. 

Trên thực tế, việc học về từ đồng nghĩa và trái nghĩa là một chuyên đề quan trọng trong chương trình tiểu học, từ lớp 3 đến lớp 5. Nhận biết và sử dụng thành thạo các nhóm từ đồng nghĩa và trái nghĩa có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh.

Trong đó, từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Có thể chia từ đồng nghĩa thành hai loại:

- Từ đồng nghĩa hoàn toàn (tuyệt đối): Là những từ có nghĩa tương đồng tuyệt đối, không có bất kỳ sự khác biệt nào. Có thể hoán đổi lẫn nhau trong bất kỳ văn bản, hoàn cảnh mà không làm thay đổi ý nghĩa. Ví dụ: "má" và "mẹ" - hai từ này có thể thay thế cho nhau một cách trọn vẹn.

- Từ đồng nghĩa không hoàn toàn (tương đối): Là những từ cùng chia sẻ một phần nghĩa chung, nhưng vẫn có những khác biệt nhất định về sắc thái cảm xúc, ý vị, cách diễn đạt. Không thể hoàn toàn thay thế lẫn nhau trong mọi trường hợp, chỉ có thể thay thế ở một số ngữ cảnh cụ thể. Ví dụ: "chết" và "mất" - cùng chỉ về sự không còn sự sống, nhưng "mất" mang sắc thái lịch sự, trang trọng hơn.

Để trẻ nâng cao vốn từ vựng tiếng Việt, có một số biện pháp sau đây mà cha mẹ có thể áp dụng:

- Đọc truyện, sách, báo hàng ngày: Cùng trẻ đọc, gợi ý trẻ đoán nghĩa từ ngữ mới. Giải thích ý nghĩa các từ mới, cách sử dụng chúng trong câu.

- Tương tác thường xuyên bằng tiếng Việt: Nói chuyện, hỏi đáp, thảo luận với trẻ bằng tiếng Việt. Khuyến khích trẻ phát âm đúng, sử dụng từ ngữ phù hợp.

- Chơi trò chơi từ vựng: Trò chơi liên quan đến nhận biết, phân loại, tìm kiếm từ ngữ. Tăng cường sự tò mò và hứng thú của trẻ với ngôn ngữ.

- Dạy từ vựng theo chủ đề: Chia nhóm từ theo lĩnh vực, hoạt động quen thuộc với trẻ. Giúp trẻ liên kết và ghi nhớ các từ có cùng chủ đề.

- Khuyến khích trẻ sáng tạo câu, đoạn văn: Trao đổi, thảo luận về những gì trẻ viết. Giúp trẻ sửa lỗi, tìm từ ngữ diễn đạt phù hợp hơn.

KIỀU TRANG

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/index.php/cau-hoi-tieu-hoc-dong-nghia-voi-moi-la-gi-dap-an-2-tu-co-giao-dua-ra-khien-phu-huynh-hoang-mang-a612893.html