Lãi suất tiền gửi nhiều ngân hàng "hạ nhiệt" sau Tết Nguyên Đán

Bước vào tuần làm việc mới sau Tết Quý Mão, nhiều ngân hàng đưa ra bảng lãi suất huy động mới với mức lãi suất giảm từ 0,1-1% ở nhiều kỳ hạn.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hàng năm, tiền gửi tại các ngân hàng thường giảm trong tháng 12 và bật tăng mạnh vào tháng 1, tháng 2. Nhiều ngân hàng từ trước Tết đã rục rịch cho ra các chương trình ưu đãi để hút tiền người dân, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Dân trí, bước vào tuần làm việc mới sau Tết Quý Mão, trong khi lãi suất nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) chưa có điều chỉnh thì không ít ngân hàng tư nhân đã hạ 0,1-1% lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn. Thêm vào đó, để được cộng lãi suất hay hưởng mức lãi suất cao nhất, khách hàng cũng phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn.

Hàng loạt nhà băng điều chỉnh lãi suất huy động có thể kể đến như Techcombank, Sacombank, PVCombank, Saigonbank, BaoVietBank, OceanBank, DongABank, BacABank, Viet Capital Bank… Mức lãi suất cao nhất của các ngân hàng này trước đó trong khoảng 9,2-10,2%/năm nay đã hạ xuống phổ biến trong khoảng 8,5-9,2%/năm.

Ví dụ tại Techcombank, mức lãi suất huy động cao nhất ở ngân hàng này là 9,2%/năm, trong khi trước Tết là 9,5%/năm. Để hưởng được mức lãi suất 9,2%/năm, người gửi tiền phải là khách VIP loại 1 gửi tiền kỳ hạn từ 12 tháng với số dư tối thiểu là 3 tỷ đồng. Các khách hàng thông thường gửi kỳ hạn 6 tháng cũng chỉ được hưởng lãi suất 8,5%/năm, thay vì mức trên 9% như trước Tết.

Theo VTC, Saigonbank, ngân hàng đầu tiên niêm yết mức lợi tức tiền gửi lên đến 10,5%/năm trong năm ngoái, cũng đã có động thái hạ lãi suất. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 9,5%/năm, áp dụng cho các khoản tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, cả online lẫn tại quầy.

Tại Sacombank, trước đây mức lãi suất cao nhất mà nhà băng này huy động là 9,8%/năm nhưng đến nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online, kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng.

Tại PVCombank, trước đây, lãi suất cao nhất ở ngân hàng này là 9,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, đến hiện tại, loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm.

OceanBank, một ngân hàng trước đây cũng đã từng niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên đến 10%/năm, hiện mức lợi tức cao nhất chỉ còn 9,2%/năm.

Với nhóm ngân hàng Big 4, nhìn chung lãi suất không có nhiều thay đổi so với trước Tết. BIDV và VietinBank đều đang có lãi suất cao nhất 8,2%. Theo sau là Agribank 7,9%/năm, Vietcombank 7,4%/năm.

Mặc dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng cuối năm 2022 nhưng theo báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì lãi suất huy động 12 tháng trung bình tại các ngân hàng trong tháng 1/2023 tiếp tục tăng thêm 0,07% điểm % so với tháng 12 năm 2022, lên mức 8,49%/năm. So với cùng kỳ năm trước thì lãi suất huy động 12 tháng đã tăng 2,68 điểm%. Đối với kỳ hạn 6 tháng, mức tăng trung bình thêm 0,11 điểm % so với tháng 12/2022, tăng 2,92 điểm % so với cùng kỳ năm 2022.

BVSC cho biết đà tăng chủ yếu đến từ nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần. Nhóm các ngân hàng quốc doanh chỉ tăng lãi suất huy động đối với kỳ hạn 6 tháng còn với kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính, đánh giá, việc điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động có thể một phần do dòng tiền của khách hàng đã quay trở lại.

Những năm trước, giai đoạn quý IV có yếu tố mùa vụ là Tết, các nhà băng thường đưa ra mức lãi suất cao để "hút" dòng tiền trong bối cảnh doanh nghiệp tập trung vốn kinh doanh, trả lương người lao động…, người dân cũng dự trữ tiền mặt chi tiêu dịp Tết.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, riêng tháng 11/2022, khách hàng gồm người dân, các tổ chức kinh tế đã gửi gần 127.000 tỷ đồng vào ngân hàng. Trong đó, người dân gửi gần 84.600 tỷ đồng. Tháng 10 liền trước, người dân cũng gửi 21.500 tỷ đồng. "Sau đó, lãi suất thường được điều chỉnh giảm", ông Độ nhận định.

Ông Độ cho rằng, việc hạ lãi suất đầu vào đã góp phần giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất đầu ra theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước năm 2023 là tiếp tục giảm lãi vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Dự báo về mức lãi suất huy động năm 2023, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh lạm phát đạt đỉnh vào tháng 1, kinh tế chưa phục hồi mạnh nên cầu tín dụng giảm đi...

"Dù vậy, lãi suất sẽ giảm dần suốt cả năm chứ khó có thể giảm mạnh. Ngoài ra, nhiều yếu tố tác động đến kinh tế không thể dự báo trước và nhu cầu tín dụng vào sản xuất kinh doanh giảm song tín dụng vào bất động sản vẫn sẽ tăng cao", ông nói thêm.

Trong khi đó, các chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra nhận định rằng lãi suất huy động sẽ vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023, đà tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm, có thể đi ngang hoặc hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2023. VCBS dự báo lãi suất huy động có thể đạt đỉnh trong nửa đầu năm với mức tăng từ 1- 1,5 điểm %.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, năm 2023 cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Minh Hoa (t/h)