Câu chuyện về nước mắt em học sinh Phạm Song Toàn và lời tố cô giáo dạy Toán Trần Thị Minh Châu không giảng bài suốt nhiều tháng tại trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) khiến cư dận mạng tranh cãi gay gắt.
Mới đây, tâm thư từ độc giả Nguyen Phong Viet thu hút sự chú ý của mọi người bởi những lời giãi bày vô cùng ý nghĩa. Phununews xin trích nguyên văn lời tâm sự dưới đây:
Thưa cô…
Sẽ thật khó khăn để phải nói với cô rằng, những giãi bày trong lá thư này sẽ làm cô giận dữ, nhưng vì không còn cách nào khác. Tuy nhiên, sự giận dữ ấy- nếu có- từ phía cô, cũng là sự giận dữ vô nghĩa. Vì bản thân cô, một cô giáo có đến thâm niên 19 năm đứng trên bục giảng, đến giờ này đã không còn cái quyền ấy nữa rồi…
Em vẫn tự hỏi, trong suốt 3 tháng bước vào lớp học ấy, trong đầu cô đã diễn ra những chuyện gì khi miệng vẫn im lặng nhưng tay vẫn viết, và mắt thì ráo hoảnh nhìn những gương mặt học trò ngồi bên dưới bằng cái nhìn lạnh lùng nhất.
Mỗi buổi sáng (hay trưa) khi cô có giờ dạy của lớp 11A4 ấy. Chắc rằng trước khi ra khỏi nhà cô sẽ có vài phút hiếm hoi ngồi trước bàn trang điểm. Cô sẽ thoa một ít son, tô một ít phấn… lên gương mặt như một điều tự nhiên nhất của một người phụ nữ chuẩn bị ra khỏi nhà và đến chỗ làm yêu thích hàng ngày của mình. Vậy thì vào giây phút ngồi trước bàn trang điểm ấy trong suốt 3 tháng trời kia, cô đã nghĩ gì? Cô đã hận thù ai trong số vài chục học sinh của lớp 11A4? Cô đã căm ghét gương mặt nào trong số những cô cậu trẻ con ở tuổi 17 kia đến mức không muốn bật ra một âm thanh dù là nhỏ nhất từ miệng của mình? Cô đã cay nghiệt đến mức nào để xem thiên chức một người giáo viên (là giảng dạy, là yêu thương… học trò) chỉ còn là cỏ rác?
Thưa cô…
Trong đầu cô đã nghĩ gì khi chia sẻ: “Tôi ước sao em Song Toàn nói với tôi thôi…” sau khi tất cả mọi việc đã xảy ra, báo chí đã vào cuộc và cô cũng đã nhận lỗi? Cô đã nghĩ gì khi xem đoạn clip em học trò nhỏ của mình nước mắt lưng tròng nói với mọi người rằng em ước ao được nghe cô giảng, nhưng đổi lại tất cả chỉ là lặng im trong suốt 3 tháng trời?
Mỗi khi bước vào lớp học 11A4 ấy để im lặng, và hết giờ, bước ra cũng im lặng, nhịp tim của cô liệu có thay đổi một chút nào không? Kiểu như hẫng nhẹ một chút khi thấy mình sao ác độc với mình quá? Kiểu như thấy mình đã làm gì với cái nghề cao đẹp này vậy, một cái nghề đứng ngang bằng với nghề bác sĩ (một bên là dạy người, một bên là cứu người) và hơn gấp vạn lần những ngành nghề khác trong xã hội? Kiểu như xót xa vì mỗi ngày đến lớp mình đều nhận lương từ chính cha mẹ của học trò nhưng đổi lại thì mình trả cho những học trò ấy bằng thái độ khinh miệt nhất có thể?
Thưa cô…
Cuối cùng thì gia đình em Song Toàn cũng quyết định sẽ chuyển trường cho em vào ngày thứ 2 sắp tới đây.
Cuối cùng thì nghe nói hầu hết các học sinh trong lớp 11A4 kia đều đồng ý để cô tiếp tục đứng lớp, cho dù các bạn ấy trong suốt thời gian qua bị cô bạo hành tinh thần đến mực kiệt sức bằng sự im lặng.
Cuối cùng thì người phạm lỗi vẫn được đứng trên bục giảng để tiếp tục “giương cao ngọn cờ thiêng liêng” của nghề giáo và người bị hại thì phải chạy trốn bạn bè, lớp học và ngôi trường THPT Long Thới mà mình đã gắn bó bấy lâu nay.
Thưa cô…
Có một sự thật rằng- cho dù cô có cố gắng chối bỏ- 19 năm đứng trên bục giảng kia, với cô, là một lựa chọn sai lầm. Ngay từ tiết- học- đầu- tiên của ngày- đầu- tiên cô im lặng trong giờ toán trước tất cả các học sinh của lớp 11A4, trong sâu thẳm tâm hồn cô- nghề giáo đã chẳng còn chút ý nghĩa gì nữa rồi.
Thưa cô…
Sẽ thật khó khăn để phải nói thêm điều này, cô chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có thể hiểu được nghề giáo là gì. Cho dù cô từng là một học trò của rất nhiều thầy cô khác và cũng từng là cô giáo của rất nhiều học trò của nhiều ngôi trường khác nhau!
Cảm ơn và trân trọng chào cô!
Bài viết theo quan điểm của độc giả Nguyen Phong Viet
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thu-gui-co-giao-cu-cua-song-toan-a500461.html