Hiện Huỳnh Phủ đã được trùng tu và đang là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng của tỉnh Bến Tre.
Nhà nằm trên khu đất rộng 500m2 giữa vườn cây trái sum sê. Chủ căn nhà là ông Huỳnh Ngọc Khiêm hay còn gọi là Hương Liêm. Ông vốn là người con đất Huế nhưng cùng vợ và chín người con vào miền Nam lập nghiệp.
Cả gia đình ông di chuyển bằng ghe bầu xuất phát từ Huế vượt biển xuôi về phương Nam. Khi đến giáp sông Cái thuộc vùng Cù Lao Minh, phương tiện bị hỏng và họ không thể đi được nữa. Ông quyết định cắm sào và khai phá từ mé sông Cái trở vào.
Nhờ chăm chỉ làm nông, ông trở nên giàu có. Ngoài đất do chính mình khai phá, ông còn mua lại đất của những nông dân nghèo nhập vào để cuối cùng ông có một gia tài đồ sộ, gần 2.000 mẫu đất.
Chính quyền thời bấy giờ cho ông làm đến chức tri huyện. Giàu có, ông nghĩ đến việc tạo dựng cho mình một cơ ngơi.
Ông trở về Huế chiêu nạp thợ thuyền và mua sắm vật liệu. Nhiều loại gỗ quý được ông kết thành bè thả theo con nước về đến Thạnh Phú. Sau 14 năm xây dựng, năm 1904, ngôi nhà hoàn thành mang đậm nét kiến trúc theo phong cách Huế.
Mặt chính diện của Huỳnh phủ. |
Ông Huỳnh Ngọc Thu cháu đời thứ 6 của gia tộc Huỳnh Phủ kể: “Thợ từ Huế khá đông vào đây làm từ khi còn trẻ, độc thân. Đến khi nhà làm xong thì nhóm thợ này đã có vợ con đầy nhà và họ chọn luôn nơi này làm quê hương.
Như vậy có thể nói trong số bà con quanh đây chắc chắn vẫn còn những hậu duệ của những người thợ năm xưa. Thời bấy giờ, thợ chạm khắc nhận tiền lương bằng chén dăm bào. Lượng dăm bào của mỗi người thợ bỏ ra được đong lại bằng chén để trả công. Bao nhiêu chén là bấy nhiêu tiền.
Nhà có 48 cây cột tròn, lớn, hoàn toàn bằng gỗ lim và căm xe. Bước vào trong, khách tham quan sẽ bị choáng ngợp bởi hình ảnh những bức chạm khắc vô cùng tinh tế và công phu.
Nhiều hình thù rất thân thuộc trong đời sống hàng ngày như cua, cá, tôm, kì lân, phụng được thể hiện rất tỉ mỉ. Tất cả như một bức tranh dân gian sống động mang rõ nét đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Hình ảnh chim đậu trên cành hoa được chạm khắc công phu. |
Vào sâu hơn, nơi đây là không gian thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên được đặt trang trọng giữa nhà. Đây được xem là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc. Tất cả những phiến gỗ bàn thờ đều được chạm trổ tỉ mỉ và sơn son thếp vàng.
Bộ liễn ốp cột cẩn ốc xà cừ là một tác phẩm độc đáo trong ngôi nhà. Bà Lê Thị Hai, vợ ông Hai, cho biết: “Bộ liễn ốp vào cột được làm từ một cây to. Cây được móc ruột để ốp vào ôm chặt cây cột vừa đẹp vừa sang trọng. Thường những nhà cổ khác liễn được làm trên miếng ván ngang treo lên cột. Chỉ duy nhất Huỳnh Phủ có liễn ốp cột”.
Điều này cho thấy ông cụ là người có con mắt thẩm mỹ và rất chỉn chu trong công việc. Kế tiếp là phòng ngủ của gia đình. Hai chiếc giường lớn bằng gỗ lim đặt gần nhau vẫn nguyên vẹn.
Bộ trường kỷ khảm xà cừ quí giá, được nhập từ Pháp về và hiện chúng có niên đại gần 100 năm. |
Các công trình phụ gồm có bảy gian. Tất cả dùng để chứa lúa, nơi ở của thợ và nhà bếp. Kết cấu của những gian nhà này không được kiên cố bằng nhà chính nên đã nhanh chóng xuống cấp.
Đối với Huỳnh Phủ, trải qua một thời gian dài bị phá hoại bởi mối, mọt, sự tác động của nắng mưa nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Nền nhà sụp lún. Gạch ngói bong rơi. Một góc móng nhà nứt nẻ. Nhiều đòn tay, đầu kèo bị mối mọt gặm nhắm rất nhiều.
Chim phượng điêu khắc trên trên bàn thờ được sơn son thếp vàng. |
Đứng trước nguy cơ đổ nát và trở thành phế tích, một dự án trùng tu Huỳnh Phủ với kinh phí 35 tỉ đồng đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Đầu năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú khởi công trùng tu, tôn tạo đến năm 2015 thì hoàn thành.
Chúng tôi đứng trước Huỳnh Phủ với một dáng dấp mới. Những đổ nát và xuống cấp đã không còn thay vào đó là sự khôi phục hiện trạng cũ nguyên vẹn, mang đầy bản sắc văn hóa.
Bên cạnh đó, những mảng tường rào bị bong tróc, sụp đổ đã được sửa khang trang. Bên trong ngôi nhà được bổ sung thêm đèn điện. Nội thất bên trong căn nhà được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Nhờ vậy Huỳnh phủ trở thành một địa điểm tham quan thú vị và ưa thích của du khách gần xa.
Một trong những trụ liễn áp cẩn xà cừ độ nhất của Huỳnh phủ |
Bằng công nhận di tích quốc gia cho nhà cổ Huỳnh phủ. |
Chia tay chúng tôi, ông Thu tự hào chia sẻ: “Là con cháu Huỳnh Phủ vì thế bất kỳ ai đến tham quan tôi đều kể lại cho họ nghe về lịch sử dòng tộc. Chúng tôi rất tự hào vì đây là di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật đã được bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia”.