Du lịch nông nghiệp Việt Nam có hướng đi nào?

Việc đẩy mạnh khai thác các giá trị của ngành Nông nghiệp để tạo thành sản phẩm du lịch chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, đang được cơ quan chức năng xác định là hướng đi tất yếu.

 

Du khách trải nghiệm hái chè tại làng chè Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) - ảnh: Bá Phúc

Tìm hướng đi

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều khái niệm về du lịch nông nghiệp, nhưng luôn bao gồm bốn nội dung chính: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; mục đích tăng thu nhập cho người nông dân; đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.

Điểm đặc biệt của du lịch nông nghiệp chính là sự kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn. Việc phát triển du lịch nông nghiệp góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống.

Tại hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” mới đây do TCDL phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức, Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL Nguyễn Quý Phương khẳng định: Du lịch và Nông nghiệp là hai ngành mũi nhọn đang được Đảng và Nhà nước xác định ưu tiên phát triển trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhiều năm qua hoạt động du lịch nông nghiệp đã được khai thác mạnh mẽ ở nhiều địa phương, tạo thành những sản phẩm du lịch chủ đạo trong việc thu hút khách, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc thù văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam đã được hình thành. Một số chương trình đã trở thành thương hiệu với khả năng thu hút khách hàng trong nước và quốc tế như khám phá miệt vườn sông nước Cửu Long, tour “Một ngày làm nông” ở Quảng Nam...

Theo đó, trong giai đoạn tới, chính sách xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp chất lượng cao của ngành nông nghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Việc đẩy mạnh khai thác các giá trị của ngành nông nghiệp để tạo thành sản phẩm du lịch chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh là hướng đi tất yếu.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ khẳng định hầu hết các sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển thành sản phẩm du lịch và phát triển du lịch nông nghiệp là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh nhất cho người nông dân. Ông cũng đã gợi ý giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp như liên kết các khách sạn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các làng nghề, từ đó tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và giới thiệu được sản phẩm du lịch nông nghiệp đến khách du lịch.

Cần “cây gậy chính sách”

Nhiều mô hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp thời gian qua đã đạt hiệu quả, như: Mô hình du lịch nông nghiệp tại các làng nông nghiệp truyền thống vùng Ba Vì (Hà Nội) của Trang trại Đồng quê Ba Vì; du lịch nông nghiệp đồng bằng sông Hồng của Công ty Du lịch Ngôi sao Ninh Bình; mô hình du lịch cộng đồng của Công ty CBT Travel Việt Nam… Trong đó, trang trại đồng quê Ba Vì được biết đến là một mô hình mẫu về du lịch nông nghiệp. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm không gian xanh mát, khí hậu trong lành vùng phụ cận Vườn quốc gia Ba Vì; trải nghiệm hoạt động trồng lúa nước truyền thống, tham quan các dụng cụ sản xuất lúa gạo truyền thống, trải nghiệm hoạt động làm, thưởng thức bánh cuốn – một trong các công đoạn cuối cùng của việc sản xuất lúa gạo. Du khách cũng có thể trải nghiệm hoạt động trồng rau hữu cơ, bắt cá trên ruộng bằng các dụng cụ của nhà nông, nướng cá bằng rơm, chế biến món ăn truyền thống và thưởng thức chính thành quả lao động của mình… Tuy nhiên, theo như TS Ngô Kiều Oanh – Giám đốc Công ty TNHH ATC Việt Nam - Chủ đầu tư Trang trại đồng quê Ba Vì cho biết: Mô hình Trang trại đồng quê Ba Vì hiện chưa được sự ủng hộ, hướng dẫn của chính sách nên khó có thể phát triển rộng rãi. Chúng tôi đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các doanh nghiệp có cùng hoạt động kinh doanh về du lịch nông nghiệp gần trung tâm Hà Nội hơn. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, để du khách hiểu rõ hơn, hiểu đúng bản chất của du lịch nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững”.

Như vậy, có thể thấy, từ câu chuyện Trang trại đồng quê Ba Vì, trên hết, cần sự phối hợp chặt chẽ của cả 3 nhà: Nhà quản lý, nhà kinh doanh, nhà nông. Song song với đó, phải thực hiện đồng thời các giải pháp định hình sản phẩm, xây dựng hình ảnh, đào tạo nhân lực, phát triển bền vững. Một số ý kiến cho rằng, ngành Du lịch và Nông nghiệp cần phối hợp triển khai Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, quy hoạch, định hướng và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp; đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp; khai thác tối đa những đặc trưng của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa, bản sắc của từng vùng miền; góp phần đưa nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả.

Theo Du lịch Việt Nam 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/du-lich-nong-nghiep-viet-nam-co-huong-di-nao-a501267.html