Thản nhiên \'mây mưa\' ở quán trà sữa: Người trẻ Việt đang làm sao vậy?

Theo TS Trịnh Trung Hòa, thể hiện tình cảm táo bạo chốn đông người đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ Việt, nguyên nhân xuất phát từ việc nhận thức văn hóa lệch chuẩn.

Mới đây, clip dài gần 10 phút quay cảnh một đôi trẻ đang ôm hôn nhau trong các tư thế nhạy cảm, mặc kệ người khác nhìn thấy nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý trên mạng.

Không ngần ngại thân mật chốn đông người

Đoạn video này ghi lại bối cảnh trên tầng 3 của một quán trà sữa ở Hà Nội. Đôi uyên ương hoàn toàn "yêu nhau" công khai trước tấm cửa kính trong suốt hướng ra đường.

Những người chứng kiến và phần lớn dân mạng đều tỏ ra khá sốc, nhận định hành động của đôi trai gái kia là không phù hợp, thậm chí phản cảm, "vô tư quá trớn".

Đôi trẻ không ngần ngại thể hiện tình cảm quá mức ở quán trà sữa. Ảnh cắt từ clip.
 
Sau vụ việc trên, các diễn đàn lớn liên tục "bóc phốt" các trường hợp tương tự, khiến người xem không khỏi "nóng mặt".

Trước đó, vào tháng 3, hình ảnh đôi bạn trẻ thoải mái ôm hôn nhau trên ghế sofa ở quán cà phê, trước sự chứng chiến của nhiều người cũng làm dư luận bất bình. Nữ chính đang mặc đồng phục thể dục của một trường đại học.

Hay năm 2016, hình ảnh được ghi lại tại sân 34T (Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội) từng "gây bão" mạng. Trong ảnh, đôi trai gái khoác trên mình áo đồng phục học sinh, xung quanh có sự góp mặt của người lớn.

Không chỉ nơi công cộng, việc giới trẻ thân mật trong lớp học cũng gây phiền toái cho bạn bè, khiến thầy cô đau đầu.

Chia sẻ về điều này, Lê Hoài Nam (sinh viên ĐH Văn hóa Hà Nội) cho rằng yêu và được yêu là niềm hạnh phúc. Việc giới trẻ thể hiện tình cảm nơi công cộng không phải là chuyện có thể mang ra đánh giá đạo đức của họ. Tuy nhiên, với những hành vi thể hiện tình cảm quá trớn, tới mức phản cảm, các bạn không nên đem tình yêu hay nhu cầu thể hiện cảm xúc để biện minh.

"Tình yêu không thể khiến ta thoải mái làm bất cứ điều gì chốn đông người", Hoài Nam nói.

Học sinh thể hiện tình cảm quá trớn nơi công cộng. Ảnh cắt từ clip.

Nhung Vũ (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ tình yêu chỉ đẹp nhất khi là chuyện của hai người. Nếu bị phơi bày những hành động tưởng như đẹp đẽ thành xấu xí trước đám đông, liệu tình yêu có còn nguyên vẹn?

"Nhất là ngày nay, thông tin được truyền tải với tốc độ chóng mặt, có ai đảm bảo được rằng khi hình ảnh nhạy cảm bị đem ra bàn tán trên mạng xã hội, liệu các bạn có còn bình yên để tiếp tục hẹn hò hay không? Mình thật buồn khi tình yêu lại bị đặt cạnh những trường hợp đáng xấu hổ thế này", Nhung Vũ chia sẻ.

Theo nữ sinh Báo chí, người trẻ khi nhìn thấy các hình ảnh này còn "không chấp nhận được", huống chi nơi công cộng sẽ có người già và trẻ em.

Cô Lê Quỳnh - giáo viên dạy cấp 3 tại Hải Dương - nhận định để giảm hình ảnh phản cảm khi giới trẻ yêu nhau nơi công cộng cần sự tham gia của gia đình, nhà trường. Đó là việc giáo dục giới tính, giáo dục ý thức sống không làm phiền đến người khác, nhằm giữ gìn sự văn minh nơi công cộng, tôn trọng không gian sống.

Sống ở đâu cần theo văn hoá ở đấy

Trước tình trạng trên, TS tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng hành vi thoải mái thể hiện tình cảm nơi công cộng ở các quốc gia khác trên thế giới là bình thường. Tuy nhiên, với phông nền văn hóa Việt Nam, điều này không phù hợp, khiến nhiều người khó chịu, hay nói cách khác là "chướng tai gai mắt".

Văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng từ lâu mặc định tư tưởng các biểu hiện nhạy cảm thuộc về tình cảm cá nhân là sự riêng tư, kín đáo, không nên phơi bày lộ liễu ra bên ngoài. Hành vi này cho thấy các bạn trẻ không tôn trọng những người xung quanh, khiến người khác coi thường mình.

TS tâm lý Trịnh Trung Hòa. Ảnh: NVCC.
 
TS Trung Hòa cho hay lối thể hiện tình cảm táo bạo ở nơi công cộng, chốn đông người đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ.

Các bạn không thể biện minh yêu là có quyền thể hiện tình cảm hay nêu lý do thiếu không gian để yêu.

Hành động này tuy không phải thước đo đạo đức để đánh giá tốt hay xấu, giống như ở Việt Nam chúng ta có thói quen mời trước khi ăn cơm nhưng ở một số quốc gia khác thì không. Do vậy, chúng ta không thể cho rằng người không mời cơm là hỗn láo. Song hành động thể hiện tình cảm quá trớn ở Việt Nam là kết quả của nhận thức văn hóa lệch chuẩn, dị thường.

Theo ông, hành vi nào cũng cần phù hợp với văn hóa của quốc gia nơi xảy ra hành vi đó. Hành vi này có thể chấp nhận được ở quốc gia này nhưng không chấp nhận được ở quốc gia khác, chúng ta đang sống ở nơi nào thì phải tôn trọng nơi đó.

Chuyên gia tâm lý cho hay hiện nay, các nền văn hóa có sự giao thoa, giới trẻ có thể ảnh hưởng cách "yêu thoáng" từ phim ảnh hay khi họ trải nghiệm cuộc sống từ nước ngoài. Tuy nhiên, cách làm đó là thiếu tôn trọng văn hóa nơi xứ sở của mình.

"Ngày hôm qua, các bạn có thể ôm ấp, hôn hít nhau ở Mỹ, nhưng hôm nay không thể thể hiện ở Hà Nội. Nhất là ở làng quê, với sự chứng kiến của ông bà, cha mẹ và họ hàng, có những bạn trẻ không ngại thể hiện tình cảm", TS Trịnh Trung Hòa nói.

"Cách đây 30 năm trước, thời tôi còn trẻ, việc các đôi cầm tay ngoài phố sẽ bị người lớn cười và cho rằng hư hỏng, còn bây giờ đó là điều bình thường. Có thể việc giới trẻ yêu nơi công cộng là phản cảm nhưng 30 năm sau sẽ được chấp nhận, đó là sự chuyển hóa", TS Hòa nhìn nhận

Theo Zing.vn

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/than-nhien-may-mua-o-quan-tra-sua-nguoi-tre-viet-dang-lam-sao-vay-a501307.html