Hoa anh đào còn có tên tiếng Nhật là Sakura - một loài hoa cực kỳ quan trọng với người dân Nhật Bản. Một loài hoa gắn liền với truyền thống, lịch sử và rất giàu ý nghĩa văn hóa.
Emiko Ohnuki-Tierney, một nhà nhân chủng học người Mỹ gốc Nhật, chia sẻ rằng: "Hồi bé, tôi luôn được đi dã ngoại cùng lớp mỗi năm để ngắm Sakura nở. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ tìm kiếm bất kỳ ý nghĩa văn hóa hay lịch sử của loài hoa này mà chỉ đơn thuần yêu thích vẻ đẹp của nó."
Chỉ sau khi trở thành một nhà nhân chủng học, Ohnuki-Tierney mới bắt đầu đặt ra câu hỏi: "Tại sao hoa anh đào lại trở thành một biểu tượng được tôn kính ở Nhật Bản?"
Cô đã tổng hợp kết quả nghiên cứu của mình để viết nên cuốn sách "Kamikaze, Cherry Blossoms and Nationalisms" (tạm dịch: Phong thần, Hoa anh đào, và chủ nghĩa dân tộc). Bài viết dưới đây sẽ lược lại những điểm nổi bật về lịch sử và ý nghĩa của hoa anh đào trong cuốn sách, xuyên suốt từ Nhật Bản cổ đại đến hiện tại.
Năm 710 - 794: Hoa anh đào gắn với những tín ngưỡng dân gian của Nhật Bản
Trong giai đoạn này, người Nhật đã bắt đầu đem các hạt giống Sakura trên núi xuống những khu vực đông đúc người dân sinh sống.
Cũng trong giai đoạn này, hoa anh đào bắt đầu xuất hiện trong các tín ngưỡng dân gian của Nhật Bản. Nó trở thành một biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở.
Người Nhật luôn truyền tai nhau một truyền thuyết thú vị. Vào mỗi mùa xuân, vị Thần Núi sẽ đi xuống khu vực có cánh hoa anh đào rơi và biến chúng thành những cánh đồng lúa, đem lại một vụ mùa quan trọng cho nền nông nghiệp Nhật Bản.
Vì vậy, người Nhật rất tôn thờ hoa Sakura. Họ xem nó rất thiêng liêng, vì tin rằng chúng mang linh hồn của Thần Núi.
Năm 712: Hoa anh đào lần đầu tiên được ghi lại trong tài liệu cổ
Hoa anh đào lần đầu tiên được nhắc đến trong cuốn lịch sử "Cổ sự ký" (Kojiki) của Nhật. Cổ sự ký là tuyển tập những câu chuyện kể về lịch sử Nhật Bản, từ thuở thần thoại Thiên hoàng Jimmu tới thời Thiên Hoàng Suiko (597).
Trong thời kì này, tầng lớp quý tộc của Nhật Bản cũng đã nâng hoa anh đào lên một vị thế mới. Họ bắt đầu tổ chức lễ hội Hanami - lễ hội ngắm hoa anh đào cực kỳ nổi tiếng ngày nay - trong các cung điện của hoàng gia. Giới thượng lưu sẽ cùng nhau ca hát, khiêu vũ và uống rượu trong ngày lễ này.
Sau đó, lễ hội trở nên phổ biến, và trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Nhật.
Năm 1192: Hoa anh đào - biểu tượng cho tinh thần võ sĩ Samurai
Yoritomo no Minamoto sinh ra trong thời kì loạn lạc. Ông đã đánh bại tầng lớp quý tộc và thành lập chính quyền quân sự đồ sộ ở Kamakura, gây dựng nền chính trị võ gia. Hoa anh đào từ lúc đó dần trở thành biểu tượng cho tinh thần võ sĩ đạo.
Trong giới Samurai, họ coi đời hoa cũng như cách sống của người võ sĩ đạo, khi cần có thể hy sinh trong nụ cười bình thản, nhẹ nhàng như một bông hoa anh đào rời cành về với đất.
Năm 1868 - 1912: biểu tượng cho sự hy sinh
Nhật Bản từ năm 1868 đến năm 1912 bước vào thời Minh Trị. Trong thời kì này, đất nước bắt đầu vào công cuộc hiện đại hóa và dần vươn lên thành một cường quốc.
Ở thời kì này, các Samurai bị mất vị thế xã hội và đặc quyền. Thay vào đó, một quân đội mới, chuyên nghiệp của Nhật Bản đã được lập ra.
Tất cả các binh sĩ đều quyết chiến đấu với khẩu hiệu: "Có thể hi sinh cho Hoàng gia một cách cao đẹp như những cánh hoa anh đào rơi."
Ngày nay, rất nhiều cây anh đào đã được trồng tại Yasukuni Shrine, một đài tưởng niệm dành riêng cho những người lính đã hi sinh trong thời Minh Trị. Đó giống như một cách để xoa dịu tâm hồn cho họ.
Những cây hoa anh đào được trồng tại Yasukuni Shrine, một đài tưởng niệm dành riêng cho những người lính đã hi sinh trong thời Minh Trị
Năm 1912: Tượng trưng cho tình hữu nghị và sự liên minh chính trị
Thay mặt những người dân Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản mang tặng nước Mỹ 3.000 cây hoa anh đào. Cây anh đào được trao như một món quà biểu tượng cho tình hữu nghị và sự hợp tác về mặt chính trị giữa Nhật Bản và Mỹ.
Những cây hoa anh đào mà Nhật Bản tặng cho người Mỹ được trồng dọc theo lưu vực thủy triều ở Washington, D.C, gần với National Mall
Nhật Bản còn tặng cây anh đào cho nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.
Năm 2011 : Hoa anh đào tượng trưng cho niềm hy vọng
Ngày 11 tháng 3 năm 2011, một cơn sóng thần đã tấn công vào Nhật Bản. Tất cả những cây anh đào đều bị sóng thần tiêu diệt, mọi thứ chỉ còn lại đổ nát, hoang tàn. Nhưng chỉ một tháng sau, những chồi non lại mọc lên, mang lại niềm hi vọng cho người dân Nhật Bản. Họ lại bắt đầu khôi phục, xây dựng cuộc sống mới sau những tàn phá của thiên tai.
Cảnh những chồi non của Sakura mọc lên, mang lại niềm hi vọng cho người dân Nhật Bản được tái hiện qua bộ phim "The Tsunami and the Cherry Blossom"
Câu chuyện trên cũng đã được đưa lên màn ảnh rộng qua bộ phim ngắn mang tên "The Tsunami and the Cherry Blossom" (Sóng thần và hoa anh đào), khiến cho cả thế giới phải trầm trồ và cảm động vì tinh thần quật cường của người Nhật. Không khó hiểu khi bộ phim này đã được đề cử giải Oscar vào năm 2012.
Tạm kết
Vào mùa Sakura nở, trên khắp các nẻo đường, tuyến phố, khắp nông thôn và thành thị, đâu đâu cũng bừng sáng một màu hoa anh đào đẹp đến nao lòng.
Nhưng với người dân Nhật Bản, bên cạnh việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh khiết của loài hoa này, đây cũng là lúc mà họ được ôn lại những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc - một dân tộc luôn kiên cường, bất khuất, một dân tộc luôn đầy ắp niềm hy vọng và khát khao.
Theo Kenh14.vn
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-hoa-sakura-chung-nhan-lich-su-cho-nhat-ban-trong-suot-hang-the-ki-a501798.html