Bác sĩ bị đánh và tinh thần phục vụ

Đầu tiên là bác sĩ Hồng Chiến, người mới bị đánh ở bệnh viện Saint Paul. Anh kìm tiếng nấc để nói: “Dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa cũng vẫn sẽ phục vụ người đánh họ”.

Trong hai ngày, có hai bác sĩ xuất hiện trước công chúng, và nói về khái niệm phục vụ. Đầu tiên là bác sĩ Hồng Chiến, người mới bị đánh ở bệnh viện Saint Paul. Anh kìm tiếng nấc để nói: “Dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa cũng vẫn sẽ phục vụ người đánh họ”.

Người thứ hai, là bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh ở trung tâm cấp cứu 115 TP HCM. Vừa có 23 cán bộ của trung tâm này nghỉ việc vì lương không đủ sống, thậm chí không tới 2 triệu đồng/tháng. Đặc thù của công việc cấp cứu không tạo ra nguồn thu từ dịch vụ như các cơ sở y tế khác, nên họ không có thu nhập nào ngoài lương. Và bác sĩ Chánh, sau khi nói rằng “thu nhập rất khó khăn”, đành tự xác định: “Vấn đề cấp cứu là phục vụ”.

Hai chữ “phục vụ” theo sắc thái mà các bác sĩ đã dùng, được nêu ra như kim chỉ nam của những người làm trong khu vực công từ thời đất nước mới độc lập, và duy trì cho đến tận hôm nay. Lịch sử đất nước ghi công tinh thần của sự “phục vụ” này. Ta không thể đếm hết những bài thơ, áng văn hay khúc nhạc ca ngợi sự tình nguyện cống hiến của con người cho lý tưởng và cho nhân dân.

Nhưng nền kinh tế thị trường đặt ra yêu cầu xem xét lại sắc thái của hai chữ “phục vụ” ấy và cả hệ thống quan điểm đằng sau nó.

Để nghĩ về nền kinh tế thị trường, hãy thử tưởng tượng về một mặt hàng đang gây chú ý trong tuần qua, cà phê. Bạn đến một thành phố nhỏ ở miền Trung, vỉa hè vắng người qua lại, khung cảnh thư thái. Bạn ngồi xuống quán cóc ven đường, ngồi nhâm nhi một ly cà phê đen sánh rất ngon miệng. Bạn mỉm cười, đứng dậy về kêu tính tiền. Ly cà phê giá năm ngàn đồng.

Giây phút nghe thấy giá của ly cà phê, bạn sẽ nghĩ gì? Giây phút đó, tôi đã  hoảng hốt di đầu lưỡi trên vòm miệng, cố kiểm tra lại vị đắng còn đọng lại trong một nỗi tuyệt vọng, và tự hỏi, mình vừa được cho uống thứ gì.

Tôi không dám chắc người ta có thể sản xuất một ly cà phê với giá rẻ đến mức độ nào, người bán hàng có thể thật thà. Nhưng một cách vô thức, tôi buộc phải đắc tội với anh ta trong suy nghĩ: tôi không tin có tồn tại một ly cà phê giá năm ngàn đồng. Trong giây phút đó, trong đầu tôi là phản ứng tự nhiên hình thành bởi nền kinh tế thị trường. Nó gọi là ý thức về giá. Ý thức này thậm chí hình thành từ trước khi “tinh thần phục vụ” của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng ra đời. Từ xa xưa các cụ đã dạy, “của rẻ là của ôi”.

Nhưng khi mà một ca cấp cứu của trung tâm 115 luôn  có đơn giá 150.000 đồng, bất kể khoảng cách, bất kể ngày đêm, bất kể tình trạng bệnh nhân, cho cả bác sĩ, y tá và người lái xe, thì người ta không hoảng hốt, mà các bác sĩ chỉ có thể lý giải rằng mình đang “phục vụ” nhân dân.

Tinh thần của hai chữ “phục vụ” này, qua nhiều thập niên ca tụng, đã vượt qua nghĩa đen của một động từ, và trở thành một tinh thần chống lại các quy luật thị trường thông thường. Đã gọi là “phục vụ” thì bạn có thể quên phứt ý thức về giá cả đi. Tất nhiên cũng có lúc một xã hội cần chống lại các quy luật thị trường thông thường để tồn tại, như thời chiến tranh chẳng hạn. Nhưng khi chúng ta đang dốc sức xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh, thì nó trở thành một lực cản.

Tinh thần “phục vụ” này liệu có ám cả vào các quyết sách, khi mà mức lương trong khu vực công đã liên tục được chỉ ra qua các nghiên cứu, các phản biện rằng quá thấp so với khu vực tư. Mức lương thấp này tạo ra hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng, những thứ mà “tinh thần thái độ phục vụ” không thể bù đắp được. Tinh thần “phục vụ” này có ám vào cách hành xử, khi người “được phục vụ” cũng không mảy may tin vào sự tình nguyện của đối phương (hãy nghĩ lại cốc cà phê), còn người “phải phục vụ” thì vẫn đang quay quắt với cơm áo gạo tiền.

Và hai chữ ấy vẫn đang liên tục được sử dụng trong các chỉ đạo như một nỗ lực đôn đốc chất lượng của nền dịch vụ công. Chữ “phục vụ” ấy, nói ra từ bác sĩ Chiến, trong những tiếng khóc nấc nghẹn, phần nào nói lên bản chất của nó.

Tiếng Việt có đầy đủ động từ để gọi các công việc, sòng phẳng như bản chất của chúng. Bác sĩ “khám bệnh” và “chữa bệnh”. Cán bộ hành chính “làm thủ tục giấy tờ”. Các công ty nhà nước “bán” điện, nước và dịch vụ môi trường (thậm chí từ “cung cấp” cũng là một thứ uyển ngữ không thỏa đáng). Không một công việc nào cần phải khoác lên cái vỏ “phục vụ” ngoại trừ chính nghề phục vụ của ngành lưu trú và ẩm thực. Chỉ riêng với việc sử dụng đúng động từ cho một công việc, ta đã cảm thấy cần phải đãi ngộ họ xứng đáng với động từ ấy hơn.

Ai cũng có thể có tinh thần tình nguyện. Nếu ai đó sẵn sàng phục vụ nhân dân vô điều kiện vì lý tưởng bản thân, đó là điều đáng quý. Nhưng nếu ta tin rằng xã hội này phải vận hành chủ yếu dựa trên cái sự “phục vụ” ấy chứ không phải quy luật thị trường, thì tức là ta đang thừa nhận rằng mình có một đất nước yếu.

Theo Đức Hoàng (VNexpress)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bac-si-bi-danh-va-tinh-than-phuc-vu-a501853.html