Các chương trình truyền hình kết thúc tiếc nuối cho khán giả

Khi mạng xã hội chưa thật sự phổ biến, không có các thiết bị di động hiện đại thì người ta thường dành thời gian nhiều hơn trước chiếc Tivi, xem các chương trình truyền hình.

Gặp nhau cuối tuần

Gặp nhau cuối tuần một thời

Có lẽ đây là chương trình khi mà nó kết thúc gây nhiều tiếc nuối nhất cho khán giả. Chương trình được phát sóng lần đầu tiên trên sóng truyền hình vào ngày 1 tháng 4 năm 2000. Đều đặn vào lúc 10:00 giờ sáng ngày thứ bảy mỗi tuần, phát lại vào lúc 21:00 ngày thứ tư tuần kế tiếp. Nội dung chương trình gồm tập hợp nhiều hài kịch do các diễn viên hài cả nước thể hiện.

Rất nhiều nghệ sĩ với nhiều cái tên trong chương trình mà sau này trở thành nghệ danh đi theo hết cuộc đời sự nghiệp nghệ thuật của họ như "Quang Tèo - Giang Còi" của NSƯT Nguyễn Tiến Quang - NS Lê Hồng Giang, "Thắng mũi to" của NS Đặng Quang Thắng, "Hiệp gà" của NS Dương Đức Hiệp, Sếp Bằng của NSƯT Phạm Bằng...

Năm 2007, Gặp nhau cuối tuần chính thức chia tay khán giả trong tiếc nuối khi mà chương trình ngày càng được phủ sóng và đang được rất nhiều khán giả trẻ yêu thích. Đến năm 2010, Chương trình Thư giãn cuối tuần phát sóng lúc 21 thứ Bảy hàng tuần được coi là kế thừa phiên bản cũ Gặp nhau cuối tuần rất được nhiều khán giả hưởng ứng và đón xem.

Rung chuông vàng

Rung chuông vàng là một cuộc thi kiến thức dành cho sinh viên các trường đại học tại Việt Nam do VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất.

Chắc bạn không thể quên được bài hát Rung chuông vàng do nhóm Bức Tường trình bày đã phần nào thể hiện nhiệt huyết, đam mê kiến thức của các bạn trẻ sinh viên. Chương trình này không chỉ dành cho các bạn sinh viên mà thầy cô còn được tham gia vào các trò chơi cứu trợ giúp các bạn sinh viên trường mình quay lại tiếp tục.

Ban đầu cuộc thi này dành cho các bạn sinh viên cùng một trường đại học. Sau này để tăng tính cạnh tranh, phát huy tính kiên trì giữa các sinh viên với nhau, cuộc thi chuyển đổi trở thành tổ chức thi đấu giữa hai trường đại học khác nhau.

Nội dung chương trình là bao gồm 100 bạn sinh viên, cùng trải qua các câu hỏi mà chương trình đưa ra, trả lời bằng cách giơ bảng để tìm ra người cuối cùng rung được chuông vàng.

Lần phát sóng cuối cùng trên VTV3 vào ngày 6/11/2011

Hỏi xoáy đáp xoay

Giáo sư Cù Trọng Xoay

Chuyên mục Hỏi xoáy đáp xoay rất được khán giả biết đến trong chương trình Thư giãn cuối tuần phát sóng vào lúc 1 giờ thứ Bảy hàng tuần, được coi là phiên bản mới của chương trình Gặp nhau cuối tuần đã kết thúc.

Nội dung chương trình xoay quanh việc đưa ra câu hỏi của anh Xoáy (do Xuân Bắc thủ vai) đưa ra, các câu hỏi được giới thiệu là do các khán giả truyền hình gửi về để cho Giáo sư Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng thủ vai) trả lời.

Chuyên mục này dẫn được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả bởi sự dí dỏm, hài hước nhưng không kém phần thâm sâu qua cách hỏi và trả lời của hai nhân vật. Nhất là vai diễn Giáo sư Cù Trọng Xoay đã đưa Đinh Tiến Dũng từ con người vô danh, trở nên nổi tiếng và đông đảo người xem biết đến.

Sau một khoảng thời gian gắn bó với chương trình, Đinh Tiến Dũng nói lời chia tay với chương trình. Chuyên gia Xoày Trọng Chấm (Phạm Dũng) thay vị trí của Giáo sư nhưng sức hút không còn được như trước.

Xoày Trọng Chấm và anh Xoáy

Chiếc nón kỳ diệu

Chương trình  nói lời chia tay với khán giả sau chặng đường gắn bó 16 năm.

Chiếc nón kỳ diệu là trò chơi truyền hình phát sóng trên đài VTV3, được mua bản quyền và dựa trên trò chơi Wheel of Fortune (Vòng quay may mắn) phát sóng từ ngày 6/1/1975 tại Mỹ. Chương trình phát sóng lần đầu tiên vào năm 2001 và kết thúc vào ngày 24/12/2016 với tổng số tập là 811 số. 

Nội dung chương trình sẽ gồm 3 người chơi bằng cách lần lượt quay một mặt phẳng hình tròn chia làm các ô để giành quyền đoán chữ cái trong một cụm từ cho trước và ghi điểm. Điểm số của từng người chơi sẽ quyết định phần thưởng bằng tiền mặt hay hiện vật.

Đây có lẽ là chương trình lập kỉ lục về số năm phát sóng đến khi kết thúc và quãng đường 15 năm gắn bó với khán giả là quãng thời gian dài khiến ta không thể nào quên.

Trò chơi âm nhạc

Trò chơi âm nhạc ngày ấy

Trò chơi âm nhạc là gameshow truyền hình rất ăn khách. Ban đầu chương trình dành cho các bạn sinh viên có đam mê về lĩnh vực âm nhạc. Nhưng về sau chương trình tổ chức dành riêng cho đối tượng khán giả và nghệ sĩ.

Trong phiên bản mới của chương trình sẽ bao gồm 2 đội chơi do hai nhạc sĩ là đội trưởng, sẽ lần lượt giới thiệu bốn người chơi 2 người chơi đội mình. Các đội lần lượt mở các ô trên màn hình chương trình, nếu mở được ô xanh thì bắt đầu hát bài hát có câu nằm trong ô xanh, nếu mở ô đỏ thì mất lượt. Chương trình cũng ghi dấu sự thành công của các MC nổi tiếng: Diễm Quỳnh, Anh Tuấn, Ngọc Linh... 

Sau này chương trình lấy format Don’t forget the Lyrics!, do Anh phát minh từ năm 2008, bắt đầu phát sóng từ ngày 7 tháng 11 năm 2012 với Nguyên Khang là người dẫn chương trình. Ngày 30 tháng 12 năm 2015, chương trình chính thức nói lời chia tay với khán giả.

Ở nhà Chủ nhật

Chương trình Ở nhà Chủ nhật trong một lần phát sóng

Chương trình diễn ra vào các ngày Chủ nhật, khi mà mỗi tuần lại giới thiệu về 2 gia đình khác nhau với đủ độ tuổi, cá tính... Cùng với nhau tham gia các trò chơi và trả lời câu hỏi mà chương trình đưa ra để vượt qua gia đình bên kia giành chiến thắng. Chương trình Ở nhà chủ nhật được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV3 từ năm 1999.

Chương trình trong suốt quá trình phát triển có sự thay đổi nhiều lần về MC dẫn dắt. Ban đầu các nhà báo Tạ Bích Loan, Bảo Vân, Minh Vũ, Bùi Thu Thủy lần lượt giữ vai trò MC chương trình từ năm 1999 đến 2004. Năm 2005 đến lượt nhà báo Thanh Hường đảm nhận.

Ngày 30/12/2007, chương trình thông báo ngừng phát sóng, kết thúc 9 năm trên sóng truyền hình Quốc gia, gây nhiều tiếc nuối cho người xem vì đã mất đi một món ăn tinh thần không thể thiếu vào các dịp cuối tuần.

Thịnh Hữu tổng hợp

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cac-chuong-trinh-truyen-hinh-ket-thuc-tiec-nuoi-cho-khan-gia-a501863.html