Khai mạc trưng bày “Hồi sinh: Mặt nạ vùng eo biển Torres”.
Trưng bày do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và Bảo tàng Quốc gia Australia tổ chức nhân ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5) và 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (1973 – 2018).
Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick, đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giám đốc Bảo tào Dân tộc học Việt Nam cùng đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Australia Craig Chittick chia sẻ: “Tôi rất vui được giới thiệu những chiếc mặt nạ vùng Eo biển Torres tới công chúng Việt Nam lần đầu tiên. Trong năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao quan trọng của Australia và Việt Nam, chúng tôi đã chọn giới thiệu văn hóa tạo tác và sử dụng mặt nạ của người dân vùng Eo biển Torres, một phần rất quan trọng trong nền văn hóa đa dạng của Australia, với mục đích tăng cường hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân hai nước.”
Ngài Đại sứ Australia Craig Chittick phát biểu tại lễ khai mạc.
Phó giáo sư Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng cho biết, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam rất vinh dự được là nơi diễn ra cuộc trưng bày này, bởi nó rất phù hợp với chủ đề của ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay: "Bảo tàng kết nối số: Cách tiếp cận mới, công chúng mới". Việc số hóa và trưng bày hình ảnh chất lượng cao của những hiện vật tạo thêm nhiều cơ hội cho công chúng Việt Nam được thưởng thức những tuyệt tác văn hóa của thế giới".
Trưng bày này cũng giới thiệu phim tài liệu mang tên Những vết nứt trên Mặt nạ, bộ phim đầu tiên nói về văn hóa, lịch sử và sự kết nối sâu sắc của người dân vùng Eo biển Torres với những hiện vật của tổ tiên họ.
Eo biển Torres là một mạng lưới các đảo nằm giữa Bắc Australia và Papua New Guinea. Theo truyền thống nơi đây, những chiếc mặt na được làm thủ công từ những vật liệu của địa phương và từ biển, ví dụ như mai rùa (Koerar), sợi thừng nhỏ và sáp ong hoang dã. Khởi nguồn từ tín ngưỡng, mặt nạ và tạo tác mặt nạ ngày nay được coi là coi là những cách thức phục hưng nền nghệ thuật, văn hóa cổ xưa và những nghi lễ sống động này của vùng Eo biển Torres. Những chiếc mặt nạ là cầu nối, giúp người dân nơi đây truyền lại kiến thức và văn hóa cho các thế hệ sau.
Một số hình ảnh mặt nạ độc đáo được trưng bày tại Bảo tàng:
Sự kiện trưng bày thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Mặt nạ Zei Sagulaw Mawa (có tên tiếng Việt là Gió Tây Nam) được đội trong nghi lễ đón mùa gió này. Zei là một trong bốn loại gió - gió Tây Nam thường xuất hiện vào mùa đông. Vào đầu mùa, những người đàn ông thực hiện nghi lễ Kuki Sagulaw Mawa để chào đón mùa mới.
Mặt nạ Naga Mawa
Mặt nạ Koedal Awgadhalayg
Trưng bày Hồi sinh: Mặt nạ vùng eo biển Torres sẽ mở cửa đón khách tới tham quan tìm hiểu đến hết ngày 18/7/2018.
Hoài Thu
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chiem-nguong-nhung-chiec-mat-na-doc-dao-hang-nghin-nam-tuoi-cua-cu-dan-dao-uc--a504743.html