Núi Thị Vải ở đâu, đi thế nào?
Thị Vải là một ngọn núi thuộc địa phận xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TP.HCM khoảng 100km. Núi Thị Vải khá thấp, dễ leo nên được rất nhiều người mới leo núi dùng để làm “bài tập nhập môn”.
Từ TP.HCM, bạn đi qua ngã 3 Vũng Tàu, rồi đi thêm khoảng 80 km đường quốc lộ 51 hướng ra Vũng Tàu, qua khỏi chùa Đại Tùng Lâm (khu Vạn Phật Quang) tầm 100m thì sẽ thấy núi Thị Vải nằm bên trái. Từ quốc lộ 51 vào đến chân núi khoảng 3km.
Bậc thang bằng đá hoa cương dẫn lên núi với hai bên đường là những hàng cây rợp mát. Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức
Bạn có thể gửi xe ở nhà dân dưới chân núi và bắt đầu hành trình đi bộ trên những bậc thang được xây bằng đá hoa cương dẫn lên núi. Nơi đây có ba ngôi chùa chính là chùa Linh Sơn Liên Trì (chùa Hạ), chùa Linh Sơn Hồng Phúc (chùa Trung), và Linh Sơn Bửu Thiền (chùa Thượng).
Đi hết 747 bậc thang là đến Chùa Linh Sơn Hồng Phúc (chùa Trung). Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức
Chinh phục Thị Vải - "Chốn bồng lai tiên cảnh” ở Vũng Tàu
Núi Thị Vải cao khoảng hơn 700m so với mực nước biển, ước tính quãng đường từ chân núi đến đỉnh núi dài khoảng 3km với những bậc thang đá được mài nhẵn nhụi và rất dễ đi.
Vì có sẵn những bậc tam cấp, nên quá trình leo núi Thị Vải nhẹ nhàng hơn rất nhiều, bạn chỉ cần có sức bền và chút kiên nhẫn. Một bí kíp nhỏ để đỡ mệt khi leo lên các bậc thang đó là đi theo hình zíc zắc.
Vì có sẵn những bậc tam cấp, nên quá trình leo núi Thị Vải nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ảnh: Phạm Như Quỳnh
Đây sẽ là hành trình thú vị giúp bạn khám phá được nhiều view sống ảo hay ho. Khi đến chùa Linh Sơn Bửu Thiền, bạn sẽ cảm thấy mình đang được đi du lịch tại Nhật Bản chứ không phải đang ở Việt Nam nữa. Kiến trúc của ngôi chùa này thiết kế gần giống như những ngôi chùa ở đất nước hoa anh đào.
Cổng chùa Linh Sơn Bửu Thiền, một điểm ngắm mây trời lý tưởng ở Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức
Chùa có cửa quay ra hướng Tây, mới được xây dựng mang phong cách kiến trúc Nhật Bản. Một nơi tôn nghiêm thanh tịnh và yên bình với không khí trong lành sẽ giúp du khách cảm thấy sảng khoái, quên đi những mệt nhọc. Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức
Cổng Trời với các bức ảnh check-in "ảo diệu" đầy nghệ thuật. Ảnh: @tu_alvin
Tha hồ "sống ảo" với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình như chốn bồng lai tiên cảnh. Ảnh: Tô Trần
Góc nào chụp cũng đẹp. Ảnh: Trần Thị Thanh Phương
Tiếp tục đi lên nữa sẽ thấy những khối đá lớn dựng đứng, xung quanh có những bụi tre trúc rậm rạp là nơi gần đỉnh. Theo số liệu địa hình của Google Map thì đỉnh của ngọn núi này chỉ cao xấp xỉ 500 m so với mực nước biển. Điều đặc biệt trên ngọn núi, có mốc ranh giới giao nhau của ba đơn vị hành chính cấp xã là xã Tóc Tiên, xã Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ của huyện Tân Thành, được xem như đỉnh của ngọn núi Thị Vải.
Mốc ranh giới giao nhau của ba đơn vị hành chính cấp xã là xã Tóc Tiên, xã Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ của huyện Tân Thành, được xem như đỉnh của ngọn núi Thị Vải. Ảnh: Nguyễn Sỹ Đức
Những điều cần lưu ý khi khám phá núi Thị Vải
Hành trình đến đỉnh núi ước chừng 2h đường bộ, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc nhiều vào tốc độ di chuyển của bạn. Nếu nhỡ như lên đến đỉnh chùa đã quá tối bạn có thể xin tá túc qua đêm tại chùa ngủ qua đêm rồi hãy xuống núi.
Ngoài tá túc qua đêm tại chùa bạn còn có thể chọn hình thức trekking, cắm trại leo núi, dựng lều qua đêm tại núi luôn. Nếu quyết định leo đến đỉnh núi cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng leo núi như: nước, thức ăn ( mì gói, đồ khô,...), giày thể thao, găng,... để đảm bảo an toàn nhất nhé.
Đến Cổng Trời bạn có thể lựa chọn đi trong ngày hay qua đêm đều được. Nếu yêu thích thiên nhiên, thanh tịnh, khám phá thì lộ trình đi 2 ngày sẽ phù hợp cho bạn được nhiều trải nghiệm cũng như nhìn ngắm thiên nhiên thơ mộng, cuộc sống thanh bình hơn. Nhưng đi về trong 1 ngày cũng đã đủ có cả ngàn bức ảnh check-in “cực ảo” rồi nhé.
Còn chần chờ gì không “xách balo lên và đi” nào!
Nguyễn Lệ tổng hợp