Đạo diễn Huy Thành - Người hơn nửa thế kỷ cống hiến cho điện ảnh

Nhà làm phim vừa qua đời thuộc lứa đầu trường Điện ảnh Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm với nhiều tác phẩm kinh điển.

Ngày 24/5, gia đình đạo diễn Huy Thành báo tin ông mất khi sang Pháp thăm các con. Ông có hơn 50 năm hoạt động trong làng phim với các tác phẩm nổi bật như Nổi gió, Về nơi gió cát, Xa và gần, Tổ quốc tiếng gà trưa. Nhiều nghệ sĩ như Trà Giang, Thế Anh, Hồng Ánh... đau buồn khi hay tin. Làng phim xem Huy Thành là cây đại thụ trong nghề với bề dày hoạt động và thành tích.

Nghệ sĩ Thế Anh bày tỏ nỗi buồn khi làng phim Việt mất một đạo diễn có tài, là người cuối cùng trong lứa đạo diễn Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ... "Cách đây mấy tháng, tôi có trao đổi và biết bệnh tình của Huy Thành. Đối với tôi, ông không chỉ là đạo diễn mà còn là một người thầy. Nếu không có phim Nổi gió thì tôi không được như hôm nay", Thế Anh chia sẻ. Diễn viên sinh năm 1938 cho biết đạo diễn Huy Thành luôn tận tụy với nghề và rất kỹ tính trong việc tuyển diễn viên, từng thay đổi đến năm, sáu người trước khi chọn ông đóng Nổi gió. Cố đạo diễn luôn cẩn thận chỉ dẫn các diễn viên và giúp đỡ Thế Anh trong những năm đầu sự nghiệp.

Đạo diễn Huy Thành sinh ngày 20/2/1928 tại Đà Nẵng, theo cách mạng từ năm 1945, tham gia trung đoàn 101 Thừa Thiên Huế và viết báo. Năm 1959, ông thi đỗ vào khóa đầu tiên của trường điện ảnh Việt Nam, học chung với đạo diễn Hải Ninh, Bạch Diệp... Cũng như nhiều đạo diễn cùng lứa, chủ đề trong các phim của Huy Thành là chiến tranh và hậu chiến. Tác phẩm của ông mô tả chân thật số phận của nhiều người trong các giai đoạn lịch sử này.

[presscloud]http://media.phununews.vn/upload/video/2018/05/26/cac-canh-phim-noi-gio-cua-huy-thanh-1527240829.mp4[/presscloud]

Các cảnh phim "Nổi gió" của Huy Thành.

Phim đầu tay của ông là Làng nổi, làm từ kịch bản tốt nghiệp của ông, đồng đạo diễn với Trần Vũ. Tác phẩm kể về một nữ dân quân đi đầu trong phong trào làm thủy lợi, dựa trên câu chuyện có thật về nữ anh hùng Phạm Thị Vách. Nghệ sĩ Trà Giang thủ vai một người bạn của nhân vật chính, có tính cách vui vẻ.

Chỉ hợp tác với Huy Thành ở phim Làng nổi nhưng nghệ sĩ Trà Giang luôn ghi nhớ những kỷ niệm gắn bó với đàn anh. Về thời làm phim cùng cố đạo diễn, Trà Giang kể: "Anh Huy Thành là người trí thức và quan tâm đến đoàn phim, mỗi tối sau khi ghi hình đều đọc truyện Thằng gù nhà thờ Đức Bà cho chúng tôi. Lúc đó, truyện chưa được dịch sang tiếng Việt nên những gì anh kể khiến chúng tôi say sưa nghe". Ở khóa đầu trường điện ảnh Việt Nam, Trà Giang học lớp diễn viên còn ông Huy Thành học đạo diễn. "Lúc đấy, ông đã có vợ, chững chạc còn chúng tôi chưa tròn 20 tuổi. Tôi và anh thân nhau bởi đều là người miền Trung. Anh dạy tôi rất nhiều từ cách diễn đến lối sống, cách cư xử", bà bùi ngùi nhớ lại.

Mùa than là phim đầu tiên Huy Thành đạo diễn độc lập, cũng theo kịch bản của ông. Câu chuyện kể về cuộc sống ở những mỏ than nguy hiểm trong thời chiến. Sau phim này, đạo diễn thực hiện tác phẩm gây tiếng vang Nổi gió - đoạt giải Bông Sen Vàng năm 1970. Đây là phim đầu tiên kể về cuộc đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam, dựa trên vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm. Khi chuyển thể, đạo diễn Huy Thành viết thêm nhiều tình tiết từ các bức thư của người dân.

Đạo diễn Huy Thành mất trong niềm thương tiếc của nhiều đồng nghiệp.

Phim xoay quanh những gia đình có con cái tham gia cả hai phía trong kháng chiến chống Mỹ. Vân (Thụy Vân) là một chiến sĩ cách mạng. Em trai cô - Phương (Thế Anh) - là trung úy quân miền Nam. Tác phẩm có nhiều cảnh ấn tượng như khi nữ chiến sĩ bị đốt tay để tra tấn hay đoạn Vân chèo đò trên sông giữa giông bão, được ghi hình ngay giữa cơn giông thật. Những cảnh miền Nam được phục dựng tại phim trường miền Bắc cũng được đánh giá cao. Thụy Vân nổi bật với nhan sắc và thể hiện sự kiên cường của nhân vật, còn Thế Anh diễn tả tốt biến chuyển tâm lý của người em. Phim chắp cánh cho sự nghiệp của hai nghệ sĩ gạo cội trong nhiều thập niên tiếp theo.

Sau đó, đạo diễn thực hiện phim Vùng trời (1975), dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Hữu Mai. Nhân vật chính là một phi công trẻ mới cưới vợ một tháng nhưng phải lên doanh trại. Người vợ - một cô giáo - đạp xe hàng trăm cây số lên tìm chồng, muốn gần gũi anh một đêm để có con. Tác phẩm này được sự hỗ trợ lớn của các chiến sĩ không quân, có vài cảnh trên không ấn tượng, được thực hiện bằng cách gắn máy quay trên máy bay.

Đạo diễn Huy Thành (phải) trên trường quay.

Sau năm 1975, đạo diễn Huy Thành công tác ở hãng phim Giải Phóng. Năm 1983, phim Về nơi gió cát của ông đoạt giải Bông Sen Vàng. Câu chuyện kể về một thương binh tên Lũy, trở về từ cuộc chiến và phát hiện vợ mình đã có chồng mới. Tác phẩm gây chú ý khi thể hiện người thương binh với những nỗi đau đời thường, rơi vào hoàn cảnh khó xử sau chiến tranh. Tên tuổi hai diễn viên chính Trần Vịnh và Hương Xuân cũng nổi bật sau phim này.

Năm 1983, ông thực hiện bộ phim hai tập Xa và gần dựa trên tác phẩm Những khoảng cách còn lại của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Nghệ sĩ Thụy Vân được giao cho vai bà mẹ chồng lắm tiền, nhiều mưu mẹo, âm mưu hãm hại con dâu nhưng cuối cùng hối cải. Xa và gần nhận Bông Sen Vàng ở Liên hoan phim Việt Nam năm 1985.

Đạo diễn Huy Thành được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1997. Vào những năm cuối đời, ông vẫn tham gia các cuộc hội thảo ở các liên hoan phim và đưa ra nhiều góp ý cho điện ảnh Việt Nam. Tháng 11/2017, ông đến dự Liên hoan phim Việt Nam lần 20 ở Đà Nẵng. Diễn viên Hồng Ánh là một trong những người kính trọng tài năng của đạo diễn Huy Thành dù chưa từng đóng phim của ông. Cô chia sẻ: "Tôi gặp ông lần cuối ở Liên hoan phim Việt Nam năm ngoái. Trí nhớ của ông vẫn rất tốt, giọng nói sang sảng và tâm huyết dành cho điện ảnh luôn tràn đầy. Các tác phẩm của ông có sức sống lâu bền, là nguồn cảm hứng lớn cho nhiều thế hệ làm nghệ thuật sau này".

Theo Vnexpress

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dao-dien-huy-thanh-nguoi-hon-nua-the-ky-cong-hien-cho-dien-anh-a505436.html