Bí ẩn khó lí giải về những dòng sông có 1.000 tảng đá khắc hình Linga

Các bức điêu khắc hình "của quý" nằm lộ trên bờ sông Shalmala là một trong những điểm đến thu hút khách ở Ấn Độ hay Campuchia.

 
Đây là một địa điểm thờ phụng thiêng liêng, do đó vào lễ hội Hindu Shivratri, hàng nghìn tín đồ sẽ đổ về nơi đây để hành hương. Từ thời xa xưa, các vị vua từng đến đây để làm phép tắm thánh. Ảnh: Twitter.
 
Sahasralinga là một địa điểm hành hương ở Sirsi Taluk, quận Uttara Kannada, bang Karnataka, Ấn Độ. Từ xa xưa nơi này đã mang vẻ đẹp hoang sơ và bí ẩn. Dòng Shalmala ngày nay trở nên nổi tiếng hơn khi người ta phát hiện ra hơn 1.000 tảng đá chạm khắc hình Linga - biểu trưng cho sự phồn thực - bên bờ sông. Trong tiếng Phạn, Sahasralinga cũng có nghĩa là "nghìn Linga", theo Ancient Pages.
 
Các nhà lịch sử học tin rằng những Linga này được tạo ra dưới thời Sadashiva Raya (hay Vua Sirsi) của Vương quốc Vijayanagar ở miền nam Ấn Độ, trong giai đoạn 1678-1718. Một truyền thuyết địa phương kể rằng Sahasralinga đã được tạo ra theo lệnh vua dựa trên niềm tin rằng nó sẽ giúp ông tại vị dài lâu.

Một nơi tương tự cũng đã được tìm thấy ở Campuchia nằm cách Angkor Watt 25 km. Nơi đây được gọi với cái tên Kbal Spean, có ý nghĩa là "Cầu Đỉnh" (Head Brigde). Tuy nhiên, dù cũng có rất nhiều tượng điêu khắc Linga nằm khắp lòng sông, nhưng khách du lịch chỉ đến đây chủ yếu vì tò mò chứ không nhằm mục đích tâm linh.

Kbal Spean được nhà dân tộc học người Pháp Jean Boulbet phát hiện vào năm 1968. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông đã bị gián đoạn vì nội chiến Campuchia khiến khu vực này bất ổn trong khoảng 20 năm. 

Khi Boulbet qua đời vào năm 2007, gia quyến đã rải tro của ông xuống lòng sông theo ý nguyện của nhà dân tộc học này. Ảnh: BeMyGuest.

Không ai biết những bức điêu khắc này do ai tạo ra và nhằm mục đích gì. Người dân địa phương tin rằng các Linga này là biểu tượng của năng lượng sáng tạo; khi nước sông chảy qua chúng sẽ làm cho đồng lúa trở nên màu mỡ hơn. Mặc dù rất nhiều biểu tượng của văn hóa Hindu đã bị phá hủy trong chiến tranh, nhưng chính những cánh rừng rậm rạp quanh khu vực này đã bảo tồn nguyên vẹn những tác phẩm kỳ bí. Một trong những tác phẩm điêu khắc đáng chú ý nhất là bức tạc thần Maha Vishnu và Brahma.

"Suy nghĩ cho rằng Linga đơn thuần tượng trưng cho dương vật hoàn toàn sai lầm”, Swami Sivananda, một giáo viên về văn hóa Hindu, Yoga và Vệ Đà, cho biết.

Trong tiếng Phạn, Linga có nghĩa là một dấu hiệu hoặc một biểu tượng. Shiva Linga là sự biểu trưng cho thần Shiva trong Hindu giáo, được sử dụng để thờ phụng trong các đền thờ. Trong xã hội Ấn Độ truyền thống, Linga được coi là biểu tượng của năng lượng và tiềm năng của thần Shiva.

Từ thời xa xưa, các vị vua Ấn Độ từng đến dòng Shalmala để làm phép tắm thánh. Ảnh: Ancient Pages.

Kinh sách cổ Linga Purana viết rằng Linga tối thượng không có mùi, màu sắc, hay hương vị mà được gọi là "Prakriti", nghĩa là tự nhiên. Trong thời kỳ hậu Vệ Đà, Linga đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh sinh sản của thần Shiva. Linga cũng được hiểu như một quả trứng, biểu trưng cho "Brahmanda", có nghĩa là "Trứng Vũ trụ".

Theo Trường Đặng/ Vnexpress

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bi-an-kho-li-giai-ve-nhung-dong-song-co-1000-tang-da-khac-hinh-linga-a506388.html