Nghề báo: Chúng tôi đã cố thoát khỏi nó…

Nghề báo là thứ gì đó đầy mê hoặc. Nó khiến người ta dù đi đâu, làm gì, ở vị trí nào cũng vẫn nhớ và … thèm khát.

Tôi đã cố thoát khỏi nó nhưng chính nó lại kéo tôi quay trở lại. Ra trường sáu năm với không ít lần thay đổi công việc với các lĩnh vực khác nhau. Cuối cùng tôi lại về... gõ chữ.

Tôi nhớ, lúc mới cưới nhau, cứ tới bữa cơm tối là mẹ chồng lại ngồi chờ hết con trai đến con dâu làm việc xong mới ăn cơm. Bảo ăn trước thì bà không ăn, bởi, ca ngày mới có bữa cơm… Thỉnh thoảng thấy bà lắc đầu thủ thỉ “hai vợ chồng mày cứ đứa nào cũng đi suốt ngày, cơm không ra bữa ra bàn gì thế này thì sau này có con cái làm sao lo được”.

Lúc tôi có bầu, chồng tôi cũng dụ dỗ “Nhà có một cái loa là đủ rồi. Em chuyển sang làm việc khác, truyền thông hay gì cũng được. Chứ đi sớm về muộn, suốt ngày áp lực bài vở, không tốt cho em bé”. Nghe lão chồng nói cũng có lý, tôi chuyển việc. Qua nhiều công ty với nhiều lĩnh vực và vị trí khác nhau, cuối cùng tôi lại về làm bạn với những con chữ.

Nghề báo là thứ gì đó đầy mê hoặc. Nó khiến người ta dù đi đâu, làm gì, ở vị trí nào cũng vẫn nhớ và … thèm khát.

Như chị Sếp tôi, tay ngang làm báo, sau nhiều năm gắn bó, chị đã chuyển sang kinh doanh, có nhà hàng riêng với thương hiệu có tiếng, từng đi làm sách với số lượng xuất bản chục cuốn… nhưng cuối cùng vẫn bị những dòng tin kéo lại. Chị nói: “Nghề báo quyến rũ lắm. Đã làm báo rồi, không thoát ra được”.

Lớp tôi 60 người thì gần 50 người là con gái. Đến bây giờ nhiều người có chồng có con, có đứa “nhanh nhẹn” cũng đã hai con rồi. Ấy thế mà, sau bao lần “chạy trốn” cũng vẫn quay lại nghề báo.

Làm báo không xông pha tranh đấu, điều tra nguy hiểm, thì cũng chịu áp lực của thời gian, áp lực của việc biến động tin tức mỗi ngày.

Phụ nữ làm báo, là khi bụng to vượt mặt vẫn lao vào vùng dịch bệnh để đưa tin.

Phụ nữ làm báo, là khi ngực căng tức sữa vẫn kiên nhẫn tìm đến những nguồn tin.

Phụ nữ làm báo, là khi tờ mờ sáng, nhìn con thơ yên giấc, vội xách ba lô mà đi.

Phụ nữ làm báo, là sau mỗi chuyến công tác về thấy con thơ biết đi, biết bi bô gọi mẹ.

Phụ nữ làm báo, là đêm khuya vẫn lăn lộn trên những cung đường tăm tối, bản làng hẻo lánh.

Phụ nữ làm báo, là nửa đêm rón rén, trốn trồng con cọc cạch bàn phím.

Phụ nữ làm báo, là mặt dày nhờ cô giáo trông muộn, nhờ hàng xóm đón con.

Phụ nữ làm báo là làn da rám nắng, mái tóc tóc xác xơ, màu son tô vội…

Phụ nữ làm báo, là nhận những ánh mắt dò xét, suy đoán của những người khác giới. Con gái mà làm báo thành công thì ắt hẳn phải đánh đổi nhiều thứ, kể cả hạnh phúc của bản thân mình.

Đúng, chúng tôi phải đánh đổi nhiều, kể cả bản thân, nhưng không phải như các anh nghĩ. Nghề báo có sức tàn phá khủng khiếp về nhan sắc, sức khỏe, thời gian – thời gian cho gia đình, cho bản thân.

Thanh xuân của ai đó có thể gắn bó với những mối tình lãng mạn. Thanh xuân của người làm báo là tìm những "nàng thơ" để lên bài. Thoát kiếp F.A đã khó, giữ được gia đình còn khó hơn. Đi sớm về muộn, không có thời gian chăm lo cho gia đình và bản thân, người yêu chán, chồng bỏ là điều có thể lường trước được. Một tiền bối của tôi từng đi điều tra, cứ nửa đêm mới về. Một hôm, khi vừa bước chân về tới cửa, chồng đã ném túi xách đồ đạc đuổi ra khỏi nhà…

Đấy, đây chỉ là một phần rất nhỏ, tôi còn chưa dám kể đến những người làm tin nóng chiến trường hay phóng sự điều tra có khi phải đổ máu, gia đình bị đe dọa hay nhiều hơn thế…  Nghề báo được đánh giá là nghề nguy hiểm nhất thế giới. (Đã có nghiên cứu về những nghề nguy hiểm nhất trên toàn cầu của một tổ chức uy tín – CareerCast (Mỹ).).

Đấy, làm báo có gì vui mà cô thích?

Sơn Bình

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nghe-bao-chung-toi-da-co-thoat-khoi-no-a508296.html