Nằm ở phía Tây Bắc Yakutia – Siberia (Nga), gần thượng lưu sông Viliuy có một thung lũng kỳ lạ được người dân địa phương gọi là thung lũng chết - Uliuiu Cherkechecknơi. Với hơn 1000 km2 thung lũng này có cả đầm lầy, rừng, miệng núi lửa. Đặc biệt, nơi đây vẫn còn dấu vết của các vụ nổ thiên thạch, tìm thấy các mảnh kim loại lạ nằm sâu dưới lớp đất, cho đến nay các nhà khoa họcvẫn chưa thể xác định được thành phần hóa học đặc biệt ở vùng đất này.
Được biết, xưa kia, thung lũng này là nơi qua lại của những người dân du mục thuộc bộ tộc Evenk. Họ đến từ Bodaibo, qua Annybar để ra biển Laptev. Những người du mục Evenk thuật lại rằng, họ thường thấy những cấu trúc bằng kim loại và những tấm kim loại có màu sắc giống như đồng. Mỗi cấu trúc có đường kính từ 4 đến 6m, bao phủ bên ngoài vỏ kim loại là một lớp giống như bột mài. Khi dùng dao để cứa vào nó, người ta không thấy bất kỳ một vết xước nào để lại trên bề mặt. Qua phân tích, các nhà khoa học nhận thấy những tấm kim loại này là mảnh vỡ của các cấu trúc hình tròn có thể chứa được người bên trong.
Hình ảnh “Thung lũng chết” ở Seribia, Nga
Không dừng lại ở đó, người dân du mục Evenk còn thuật những lời kể được lưu truyền rằng, cha ông họ từng tận mắt chứng kiến nhiều hiện tượng lạ như các khối cầu khổng lồ bay lên từ lòng đất, phát nổ và bắn ra các mảnh kim loại. Ngoài ra còn có hiện tượng sét khô, sét hòn và dấu vết để lại của các vụ va chạm thiên thạch đến từ ngoài Trái Đất. Nhiều người còn kể lại rằng họ từng tận mắt chứng kiến các khối cầu lửa hình nấm bốc lên trời như vụ nổ của bom hạt nhân.
Năm 1934, một thương nhân tên Andrey Savinov chuyên buôn bán lông thú từ Bodaibo đến Annybar đã kể lại với nhà khoa học Vladimir Korestky - làm việc tại Viện Nghiên cứu địa chất liên bang ở thành phố Vladivostok rằng, trên đường di chuyển xuyên qua thung lũng chết, ông và nhiều người trong đoàn đã phát hiện tại vùng Siuldiukar những cấu trúc bằng kim loại hình tròn mà người du mục Evenk gọi là Kheldyu (nhà bằng sắt).
Khi trời tối, Savinov ra lệnh dựng trại để nghỉ qua đêm. Một số thành viên trong đoàn do không chịu được sự lạnh giá nên đã vào ngủ bên trong những cấu trúc bằng kim loại. Đến sáng, những người này bỗng nhiên thấy nhức đầu một cách kỳ lạ rồi vài ngày sau đổ bệnh chết một cách khó hiểu. Trong khi những người còn lại không ngủ qua đêm trong các cấu trúc bằng kim loại vẫn bình thường. Lo sợ, Savinov quyết định thôi không đến Annybar bằng con đường xuyên qua thung lũng chết.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, câu chuyện của Savinov đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới khoa học. Năm 1936, Viện Nghiên cứu địa chất liên bang quyết định tìm hiểu vụ việc nên đã cử một nhóm nhà khoa học do Giáo sư Mikhail Arkhipov phụ trách đến thung lũng chết để khảo sát và nghiên cứu. Tại đây, nhóm của Giáo sư Arkhipov đã tìm thấy một số khối bán cầu bằng kim loại có sắc đỏ nhưng không phải là kim loại đồng, nhô lên từ mặt đất. Khối bán cầu này đủ lớn để chứa hai người nằm gọn bên trong mà người dân địa phương gọi là oguid.
Khối hình tròn có thể chứa người bên trong. Ảnh: bibliotecapleyades
Đến năm 1971, Viện Nghiên cứu địa chất liên bang quyết định nối lại việc khảo sát và nghiên cứu về các hiện tượng cũng như các cấu trúc lạ bằng kim loại tại thung lũng chết và cử một nhóm khảo cổ khác đến nơi này cùng Giáo sư Mikhail Arkhipov, nhưng mặt đất lúc này hoàn toàn trống trơn.
Các nhà khoa học cảm thấy vô cùng kỳ lạ về sự vắng bóng của những khối kim loại này. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã dự đoán rất có thể do nhiều năm trôi qua, địa thế vùng đất này đã thay đổi, khiến vật thể dịch chuyển, biến mất.
Dù không tìm thấy những tấm kim loại như dự kiến, nhưng nhóm khảo sát đã đo được mức phóng xạ cao hơn bình thường từ dưới lòng đất vào một số thời điểm nhất định trong ngày. Trước những chi tiết đó, các nhà khoa học cho rằng, ẩn sâu dưới lớp đất của thung lũng chết tồn tại sự hoạt động mạnh của các dòng từ trường. Do trước đây quân đội Liên Xô đã chọn nơi này để thử nghiệm vũ khí hạt nhân nên trữ lượng phóng xạ còn sót lại kết hợp với từ trường trong đất đã khiến cho vùng này bị nhiễm xạ nặng.
Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại người ta vẫn chưa giải thích được nguồn gốc của các tấm kim loại lạ được tìm thấy ở đây và chưa phân tích được thành phần hóa học của nó. Thung lũng chết vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các nhà thám hiểm, trong khi nhiều người cho rằng những câu chuyện này là phóng đại, một số người vẫn tin là có sự thật trong đó.
Theo Hạnh Vũ/VietQ