Đây là con đèo cao 700m, kéo dài 3,5 cây số, có 7 tầng uốn lượn quanh co. Cách thành phố Cao Bằng 30km (về phía Đông), đèo vắt vẻo qua những dãy núi cùng hàng trăm cánh rừng và được coi là con đèo đẹp nhất trên Quốc lộ số 3.
Chuyện người tráng sĩ năm xưa
Đỉnh đèo Mã Phục bị kẹp giữa hai ngọn núi tựa như một cổng thành trước khi ra khỏi thành phố đi về 5 huyện phía Đông thành phố Cao Bằng. Đây là con đường độc đạo nên từ lâu đã được coi là tử huyệt cho mọi cuộc chiến trong lịch sử. Vậy nên đời nào cũng có trạm gác ở trên đỉnh đèo. Chính vì độ hiểm trở tạo nên nét kỳ thú có một không hai ở đây. Ai lên đèo cũng đều biết tới chuyện tráng sĩ Nùng Trí Cao. Đây là một con người thuộc về lịch sử và huyền thoại của dân tộc Nùng nơi biên cương hùng vĩ này. Nùng Trí Cao (sinh năm 1025, tại Cao Bằng) được coi là một anh hùng cái thế, theo cha là Nùng Tồn Phúc khởi loạn xưng vua từ năm 1038. Sau khi cha bị nhà Lý bắt và chém chết (năm 1039), Nùng Trí Cao cùng mẹ là A Nùng tiếp tục cuộc chiến, lập ra nước Đại Lịch (1941). Chẳng bao lâu Nùng Trí Cao bị nhà Lý đánh tan và bắt giữ. Nhưng vua Lý Thái Tông thương tình không giết mà phong tước cho Nùng Trí Cao đi trấn giữ biên ải.
Nhưng không ngờ, Nùng Trí Cao không cam chịu số phận mà lại quật khởi nổi dậy chiếm đất phía Tây Cao Bằng xưng vương (năm 1052). Thế lực ngày một mạnh dần và thu hút được nhiều tráng sĩ đi theo. Nùng Trí Cao đã từng đánh sang nhà Tống và chiếm 8 châu (quận) vùng đất của hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Hoa. Ba năm sau xưng vương, Nùng Trí Cao bị nhà Tống tiêu diệt. Đây là hình ảnh ở cuối con đường, tráng sĩ Nùng Trí Cao sau trận đánh, đi tuần tra biên giới trở về. Sự mỏi mệt của cả người và ngựa đã tạo nên hình ảnh kỳ vĩ của đèo núi dựng bên vách đá này: “Con đèo dựng ngược hút mây trời. Hơi thở dốc - đường dài mệt mỏi. Ngựa hý vang ngước nhìn lần cuối. Rồi cúi đầu quỳ gục dưới chân người”. Chính vì thế người đời đặt tên cho con đèo là Mã Phục (ngựa quỳ).
Ngược hẳn với hình ảnh trên là những chuyến hành quân vượt đỉnh đèo, xuyên rừng của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân ta trong thời kỳ chiến đấu chống giặc Pháp. Chúng ném bom dữ dội hòng phá nát con đèo, không cho đường tiếp tế vận chuyển từ nước bạn về các mặt trận vùng xuôi. Đây là con đường quân sự duy nhất của ta ở Cao Bằng. Nhưng chúng không thể tưởng tượng ra hình ảnh những chuyến ôtô từ phương Bắc vẫn mặc nhiên về xuôi bằng cách nào. Đó cũng là một câu chuyện cổ tích có thật đã từng diễn ra. Không chịu bó chân như hình ảnh “Mã Phục” kia, những người lính Cụ Hồ đã tháo rời từng bộ phận của xe và pháo, vận chuyển qua những cánh rừng rậm rạp, men lưng đèo đưa vũ khí trở về chiến khu. Những người dân địa phương đã hợp sức tìm ra con đường thần thoại đó, khênh vác thiết bị cùng bộ đội vượt qua phòng tuyến của kẻ địch, băng qua muôn nẻo điệp trùng núi non.
Đó là khúc tráng ca đầy hào sảng của quân và dân Cao Bằng với những hình ảnh: “Núi đi trong sương lạnh. Núi đi trong mây mù. Núi đi trong gió cuốn. Núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu. Núi bí ẩn đàn đàn mã phục. Núi trùng trùng muôn vạn hùng binh...”. Và giặc Pháp không thể hình dung nổi những đoàn xe ấy làm sao vượt qua 7 tầng núi, 7 tầng non cao hiểm trở với một bên là vách núi và một bên là vực sâu của con đèo lộng gió này. Tiếng ca bay bổng từ phía bên kia núi vang vang trong gió cuốn làm chúng hoảng sợ và nghĩ đó là những đoàn xe “ma”: “Mã Phục là đây ta băng qua. Đoàn xe vượt mọi cánh rừng già. Luồn qua vách đá và hang núi. Xe pháo lên đường trong tiếng ca”.
Phiên chợ trên đỉnh đèo
Giờ đây đèo Mã Phục, ngoài những chuyến xe tấp nập ngược xuôi, còn đó là những phiên chợ họp ngay trên đỉnh đèo. Cứ 5 ngày một phiên vào mùng 3 và 8 hàng tháng. Những người Nùng, Tày, Dao từ các bản làng xa xôi lại vượt núi, gánh hàng lên họp mặt. Một thú chơi chợ rất... Cao Bằng. Nào hạt dẻ từ Trùng Khánh lên. Nào dao cuốc, xẻng từ Quảng Uyên về. Lại nữa gà lợn, măng tươi từ 5 huyện đưa tới. Nhất là thịt bò tươi từ hai xã bên đèo cao... Những chàng trai, cô gái được dịp vào cuộc hát Sli trong sương bay. Những gương mặt đẹp như hoa của các cô gái làm sáng bừng trên đỉnh đèo. Dừng lại bên chợ là những chuyến xe chở hàng hay du khách đi qua. Nhiều người xì xụp với những bát cháo ngô, hay xuýt xoa với những viên hạt dẻ nướng thơm bỏng môi.
Chúng tôi thật bất ngờ khi gặp một phụ nữ ôm một con chó đá đứng bán bên ven tường nhà đổ dưới vệ đường. Mấy người xúm đến hỏi mua. Tôi tò mò hỏi mới biết dân Tày và Nùng trên Cao Bằng có tục thờ chó đá. Đây là một con chó đá do chính tay chồng bà đẽo trên núi. Hai tai nó vểnh lên như đang nghe ngóng những tiếng động ban đêm. Người phụ nữ đặt con chó đá xuống đất cho mọi người xem rồi giải thích cho chúng tôi hiểu, người Tày, Nùng coi chó đá là tượng trưng cho vị thần hộ mệnh. Ngài được bày trấn ở cửa để trừ tà ma, trộm cướp và thu hút những ám khí bao vây quanh nhà, chôn vùi xuống đất, để cho con người được thoát khỏi bệnh tật ốm đau. Mãi sau có một tốp thanh niên vác trên vai những bụi hoa lan. Họ đi chợ hơi muộn bởi từ cánh rừng bên kia đèo Mã Phục họ phải đi mất ba tiếng đồng hồ. Chúng tôi dừng lại ngắm hoa. Thấy chúng tôi xuýt xoa ngắm hoa nhưng còn thấy xa lạ, vì không biết đây là loại hoa gì. Khi nghe nói đến tên hoa là Lan Tiên Vũ, chúng tôi vẫn ngơ ngác. Họ khẳng định chỉ đến trưa là bán hết. Họ khoe hôm nay vớ bở vì tìm được những giò lan quý.
Một người chỉ cho chúng tôi hay đâu là lan tiên vũ, lan đuôi chồn, hay đâu là lan đuôi cáo, móng rồng... Rồi anh ta kể, mấy người phải leo lên một cây cao chừng hơn 10m, nhưng phải bò ra một cành to chênh vênh trên vực cao. Nhìn thung sâu thăm thẳm, từ khi sương còn chưa tan ai cũng gai gai chân tóc, nhưng vì chùm lan tiên vũ nở bừng sắc vàng tỏa hương ngan ngát, nên cũng đành liều bò ra. Thôi thì vì miếng cơm manh áo cũng thử với vận may, bỗng một con chim bay vụt lên làm một người hút hồn, suýt tuột tay rơi xuống vực. Kể rồi anh bạn trẻ cười hể hả vì lấy được giò lan quý như vàng. Một màu vàng tinh khôi của trời đất Cao Bằng. Đúng như các cụ nói: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Nghĩ lại vẫn còn run. Họ vừa đi vừa cười vang núi rừng.
Suối nguồn điệu Tính
Du khách dừng chân nơi đây, thể nào cũng không thể thoát cảnh dân bản mời uống rượu ngô bên nhà sàn và chờ nghe hát then. Nhất là tiếng đàn then ở đây ngọt vì rượu và réo rắt bởi tiếng tơ tiếng trúc của núi rừng vọng xuống. Bởi theo người Tày, Nùng đàn Then (đàn Tính) là đàn trời gọi biến âm của chữ Thiên, do ông trời ban tặng. Giai điệu và lời hát then có sức hút kỳ lạ. Dân tộc Tày có tục ngữ: “Đàn tính ba năm, kéo nhị ba buổi”, nghĩa là một lần nghe kéo nhị chỉ nhớ được ba ngày, còn nghe đàn nính thì nhớ tới ba năm. Thế mới có câu ở Bản Danh rằng: “Già qua đường nghe tiếng lượn; Về nhà như biến thành trai trẻ”. Cố thi sĩ người Tày, Nông Quốc Chấn đã từng viết: “Tiếng đàn tính lọt vào tai vào ruột. Tiếng vang lên ngọn núi cao vút. Vượn trố mắt nhìn trượt chân ngã, quên con…” hay ông còn dạt dào với cảm xúc: “Có bùa chăng! Dây tính hỡi say mê. Mười hai vía trong người tôi tỉnh dậy”.
Đúng lúc đó tiếng còi xe vang lên gọi chúng tôi tiếp tục lên đường. Sương bay dần đi từng cọng lơ lửng trên không gian. Những cơn gió lạnh buốt tan đi trên đỉnh đèo. Mây cứ bay. Lá rừng cứ rì rào ca hát. Mắt người long lanh trong sương mờ trao gửi cho nhau trong câu lượn mơ màng: “Anh yêu em nhiều nhiều. Cũng đành liều để sống. Cơm ăn đôi đũa chống nhìn mâm. Đêm nằm đôi gối suông đâu ngủ. Nước mắt ứa ai hay. Nỗi niềm này ai hay biết...”. Sau phiên chợ có anh lại mang bu gà về vì mải uống rượu và hát quên cả bán hàng. Mặt cứ bần thần không hiểu vì sao nữa...
Theo Cảnh Linh/Sức khỏe đời sống