Một buổi chiều muộn, khuôn viên bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển ở Việt Nam ngập tràn những bức ảnh lớn của nhiếp ảnh gia Johan Bävman. Trong loạt ảnh của mình, Johan Bävman đã ghi lại hình ảnh những ông bố Thụy Điển tận dụng tối đa thời gian nghỉ ngơi theo luật nhà nước cho phép để dành thời gian cho con cái của họ.
Mỗi bức ảnh đều đi cùng những lời tự sự chân tình của các ông bố hết mực yêu thương con. Đó là tâm sự Johan Ekengård, 38 tuổi – nhân viên phát triển sản phẩm tại Sandvik: “Tôi đã thấy mình tự tin hơn khi là bố của 3 đứa trẻ, hiểu và thương vợ tôi hơn và tôi cảm thấy gắn bó hơn với những đứa con của mình – đó cũng là điều quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của chúng”.
Với Martin Gagner, 35 tuổi, quản trị tại Đại học Malmö thì: “Tôi cảm thấy tội lỗi về việc không được ở nhà với Matilda nhiều như bây giờ với em nó. Tôi lo lắng về mối quan hệ của tôi và con khi tôi đã dành quá ít thời gian ở bên con khi nó chào đời. Tôi đang cố gắng thay đổi điều đó"…
Những tấm ảnh về những ông bố Thụy Điển chăm sóc con nhỏ thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trong cả dòng người Việt hối hả của giờ tan tầm. Có lẽ, khi ngắm những bức ảnh lúc vô tình dừng chân bên đèn đỏ giao thông ấy, ai đó đã trở về thật nhanh với ngôi nhà thân yêu của mình, thay vì tụ tập ở quán bia chiều hoặc cuộc hẹn chóng vánh ở địa điểm quen thuộc nào đó như dự định.
Tuy nhiên, cũng có thể ai đó chỉ cảm thấy chạnh lòng và chưa thắng nổi sự hấp dẫn của khoảng thời gian họ đang đánh cắp cho riêng mình ngoài giờ làm việc…
Gia đình có phải là số 1?
Những ai từng xem bộ phim Mỹ có tên Going In Style sản xuất năm 2017 của hai đạo diễn Zach Braff và Arthur Lewis, hẳn sẽ nhớ ba nhân vật chính là ba ông già nghèo khó, tội nghiệp bị quỵt tiền lương hưu đã quyết định đi cướp nhà băng để giành lại số tiền mà mình đáng được hưởng.
Bộ phim khá hài hước nhưng người viết rất xúc động với lý do của nhân vật Willie (do diễn viên gạo cội Morgan Freeman thủ vai) bởi ông lão ấy dù đang phải thay thận vẫn quyết tâm mạo hiểm phạm tội để có tiền mua vé máy bay đến thăm con gái và cháu gái của mình.
Có lẽ, bất kỳ ai khi về già mới thấm thía hết ý nghĩa của câu nói “Gia đình là số 1” như người đàn ông ấy.
Còn ở Việt Nam, câu người Việt thường hay nói với nhau chính là “Với tôi, gia đình là số 1”. Thế nhưng, đâu phải ai cũng hiểu rõ về trách nhiệm với ý nghĩa “số 1” đó. Thực tế, khoảng thời gian mà chúng ta dành để chơi với con cái hoặc ăn một bữa ăn cùng những người thân của mình đang bị xếp hạng ưu tiên sau chuyện công việc và hàng tá lý do khác.
Điều tra về gia đình Việt Nam được thực hiện bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng ít đi khi có tới 62,9% bậc cha mẹ phía Bắc, 57,7% bậc cha mẹ phía Nam dành chưa đến 30 phút mỗi ngày để trò chuyện hoặc vui chơi cùng con.
Hầu hết người ta thường đỗ lỗi cho công việc, mưu sinh và nhịp sống hiện đại bận rộn, nhưng tại sao ở một nước có tốc độ kinh tế phát triển như Hà Lan, các bậc cha mẹ vẫn luôn chủ động sắp xếp thời gian dành cho con cái, thậm chí sẵn sàng chọn làm công việc bán thời gian để có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Trong khi trẻ em ở Việt Nam ngày càng thiếu vắng những “bữa cơm gia đinh”, thì tại sao có tới 90% trẻ em ở Hà Lan đều được ăn bữa chính cùng bố mẹ?
Mới đây, vào ngày 21/6, người Nga trên khắp thế giới tổ chức một lễ hội thường niêm nhằm tôn vinh tình yêu và lòng chung thủy. Ý tưởng lễ hội này dựa trên truyền thuyết cổ xưa về các Thánh Piotr và Fevronia của Murom, được coi là mẫu mực truyền thống của quan hệ hôn nhân ở Nga.
Hàng năm vào ngày này, Ban Tổ chức lễ hội do bà Svetlana Medvedeva – phu nhân của Thủ tướng Nga - sẽ trao tặng những gia đình xuất sắc nhất phần thưởng xã hội – Huy chương vì tình yêu và lòng chung thủy.
Điều gì khiến những ông bố, bà mẹ trong những gia đinh được vinh danh ấy có thể sử dụng tới 1/2, 2/3 quỹ thời gian cuộc đời mình để dành trọn cho một cuộc hôn nhân? Bởi với họ, con cái và giá trị truyền thống gia đình là điều quan trọng nhất. Họ không lãng phí thời gian của cuộc đời mình để chạy theo những cám dỗ, nhu cầu cá nhân và cảm xúc nhất thời. Họ hiểu rõ những hy sinh và tình cảm trọn vẹn dành cho cuộc hôn nhân sẽ mang lại cho họ những giá trị mà không phải ai cũng có được.
Và khi những cuộc hôn nhân chóng vánh xuất hiện càng nhiều ở Việt Nam hiện nay, cần lắm những tấm Huy chương được được vinh danh như thế.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gia-dinh-va-nhung-khoang-thoi-gian-bi-mat-a510002.html