Nón lá làng Chuông nổi tiếng cả nước bởi độ bền, chắc và đẹp. Ngôi làng sản sinh ra sản phẩm thủ công giàu truyền thống này nằm tại huyện Thanh Oanh, Hà Nội. Từ ngã ba Ba La (Hà Đông, Hà Nội), du khách chạy xe khoảng 15 km là tới.
Chợ làng nằm ngay chân đê, ngày nào cũng bán đủ thứ đồ rau dưa, thịt thà nhưng chỉ sáng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch mới là bán nón và nguyên liệu làm nón. Đón du khách ngay từ đầu chợ là sắc đỏ rực bắt mắt của các sạp bán nguyên liệu như dây cước, dây len các loại…
Một góc chợ khác là nơi các bà, các cô bán cật nứa. Từng bó cật được vót nhỏ và đều, chia làm 2 màu trắng - đỏ. Đây chính là nguyên liệu làm vòng nón (vòng kèm). Mỗi chiếc nón lá làng Chuông có tổng cộng 16 vòng, gồm 15 vòng sử dụng cật trắng, vòng cạp sử dụng cật đỏ nổi bật.
Nón làng Chuông trông đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu. Một trong số đó là cạp nón với yêu cầu vừa dẻo dai lại rắn chắc.
Nhìn những chiếc nón trắng cả mặt trong lẫn mặt ngoài, ít người biết rằng nón Chuông còn cần một lớp mo lành hanh (hay còn gọi là vầu - một họ nhà tre) lót giữa để tạo độ cứng. Cả chợ chỉ có khoảng 2-3 người bán loại mo này nên khách ghé mua hàng tấp nập.
Khác với người bán dây len, cật nứa hay mo lành hanh, những phụ nữ bán lá lụi chẳng cần một chỗ ngồi cố định. Nếu trời mát, các bà các chị sẽ tụ tập thành nhóm ở sân chùa. Đến khi mưa xuống hoặc nắng lên, họ rủ nhau vào tháp chuông ngồi trò chuyện rôm rả.
Lá lụi là nguyên liệu chính làm nên nón Chuông. Thứ lá trắng xanh bắt mắt này được lấy từ vùng đồi núi Thanh Hóa, Hà Tĩnh, về vò với cát rồi phơi khô 2-3 nắng cho đến khi chuyển màu trắng bạc.
Chợ nón làng Chuông ồn ào, náo nhiệt rồi nhanh chóng tan sau hơn 3 tiếng. 6 phiên chợ một tháng, 72 phiên một năm, nghề làm nón truyền thống của làng vẫn cứ thế duy trì và nổi tiếng khắp trong, ngoài nước. Nếu một sớm thức giấc muốn tận hưởng không khí náo nhiệt của chợ quê, chợ nón làng Chuông sẽ là gợi ý đáng tham khảo cho nhiều du khách.
Theo Zing.vn
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mot-som-mua-he-ghe-tham-cho-non-lang-chuong-a510740.html