Trong văn hóa Mỹ, Memorial Day là một ngày để mọi người tưởng nhớ và vinh danh những người đã hy sinh để phục vụ tổ quốc. Ở Hawaii, với sự đa dạng trong thành phần dân cư đã hình thành nên một nền văn hóa đa màu sắc, là sự hội tụ của nhiều nền văn hóa khác nhau.
Theo truyền thống, vào Memorial Day, người dân Hawaii sẽ đặt hoa và những món đồ ý nghĩa lên mộ của những người thân đã mất của mình.
Cho đến năm 1999, với mong muốn tạo ra sự hòa hợp giữa văn hóa và nhận thức của nhân loại, đức bà Shinso Ito – người đứng đầu tổ chức Phật giáo Shinnyo-en – đã khởi xướng Lễ hội đèn lồng nổi tại Hawaii.
Trong 3 năm đầu tiên, Lễ hội được tổ chức tại bờ Nam của O’ahu, sau đó, từ năm 2002 đến nay, hằng năm Lễ hội được tổ chức vào tháng 5 tại bãi biển Ala Moana. Theo bà Shinso Ito, ánh sáng từ chiếc đèn lồng tượng trưng cho trí tuệ và nước tượng trưng cho tình yêu, vì vậy, thả đèn lồng lên dòng nước thể hiện hy vọng một thế giới tươi sáng hơn.
Lễ hội đèn lồng Hawaii là một ngày lễ lớn và được tổ chức rất quy củ, gồm nhiều nghi thức.
Lễ hội được bắt đầu với âm thanh tiếng thổi Pũ (một loại vỏ ốc biển của Hawaii) để thông báo hoạt động làm sạch khu vực và đánh dấu sự bắt đầu của lễ hội.
Shinnyo Taiko - Âm thanh của Taiko có ý nghĩa kéo mọi người lại gần nhau hơn, như là một lời cầu nguyện cho hòa bình, với hy vọng mọi người có thể giúp đỡ nhau với tinh thần cởi mở và hài hòa.
Oli – Đây là bản thánh ca của Hawaii dùng để thu hút sự chú ý của những người tham gia lễ hội, thông báo cho mọi người để họ chuẩn bị tinh thần cho những nghi thức quan trọng theo sau.
Hula – Một màn trình diễn trực quan của Oli thông qua những điệu nhảy.
Entrance of Main Lanterns – Sự xuất hiện của 6 chiếc chiếc đèn lồng chính, thay mặt cho mọi người, mang lời cầu nguyện đến những nạn nhân của chiến tranh, những người gặp họa trên biển hay thiên tai, nạn đói và bệnh tật.
Lòng biết ơn trong nghi lễ còn dành cho những loài động thực vật đặc hữu tại đây, những loài sắp và có nguy cơ tuyệt chủng. Những chiếc đèn lồng này được thả nổi với hy vọng khuyến khích sự hòa hợp và bình an cho mọi người.
Light of Harmony – Với tinh thần hữu nghị, những nhà lãnh đạo của các cộng đồng cùng nhau thể hiện sự thống nhất trong việc cam kết tạo nên sự hòa hợp trong sự đa dạng trong cộng đồng người Hawaii bằng việc cùng nhau thắp nên một ngọn lửa tượng trưng.
Blessing and Transformation – Đức bà Shinso Ito ban phước lành cho khu vực lễ hội, những chiếc đèn lồng, những người được tưởng nhớ cũng như những người tham gia lễ hội.
Offering of food and water – Nghi lễ này tượng trưng cho việc nuôi dưỡng tinh thần cho những linh hồn được tưởng nhớ.
Strewing of Flower petals – Từ lâu, những bông hoa luôn được coi là biểu tượng dẫn đường cho những người được vinh danh. Người Hawaii rải những cánh hoa trong nghi thức này thể hiện tình yêu và sự kính trọng của họ với những người thân yêu của mình.
Shomyo – Sự kết hợp giữa tụng kinh Phật truyền thống và giàn hợp xướng phương Tây.
Ringing the Bell – Âm thanh trong trẻo, tinh tế từ chiếc chuông của bà Shinso Ito giúp mọi người tĩnh lại, tập trung vào những suy nghĩ và lời cầu nguyện, đồng thời là dấu hiệu cho mọi người biết đã đến lúc thả đi những chiếc đèn lồng.
Floating of Lanterns – Nghi thức thả đèn khép lại lễ hội với những chiếc đèn lồng được thắp sáng, thả trôi trên biển Ala Moana cùng với những lời cầu nguyện, lời chúc.
Sau khi lễ hội kết thúc, những chiếc đèn lồng sẽ được các tình nguyện viên thu gom và đưa về chùa Shinnyo-en, làm sạch và lưu trữ để dùng cho lễ hội năm sau.
Không chỉ là một lễ hội truyền thống lớn của người dân Hawaii, với thông điệp hướng tới thế giới hòa bình, ấm áp, Lễ hội đèn lồng mỗi năm thu hút hơn 50,000 người tham gia tại bãi biển Ala Moana với hơn 6000 chiếc đèn lồng được sử dụng. Đây không chỉ là nơi những người thân, bạn bè, mà ngay cả những người không quen biết tụ tập lại trong sự chia sẻ, mở lòng để cùng nhau hỗ trợ, đùm bọc và yêu thương.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/le-hoi-den-long-dac-biet-cua-nguoi-hawaii-a510787.html