Hố sụt khổng lồ giữa đại dương ở châu Mỹ

Lặn xuống hố nước sâu thăm thẳm, du khách có cơ hội bơi cùng cá mập và nhiều loại cá bí hiểm khác.

Đất nước Belize nằm ở bờ biển phía đông của Trung Mỹ. Nhiều người biết tới quốc gia này nhờ Hố Xanh Khổng Lồ, Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Hố có cấu trúc tự nhiên lớn nhất trong số những hố xanh trên thế giới, với đường kính lên tới 300m và sâu 125m, theo Cahlpech. Hố xanh là hố sụt dưới nước hình thành bởi sự xói mòn của đá vôi và có hình dáng giống một vòng màu xanh sẫm.

Hố Xanh Khổng Lồ ở Belize. Ảnh: Sean Mcauliffe.
 
Glyn Collinson, nhà khoa học ở cơ quan không gian NASA (Mỹ), cho biết: “Đó là hố sâu nhất mà tôi có thể tưởng tượng được. Hố có màu xanh đậm, hình thành từ nền đá rắn như ở các hang động hàng trăm nghìn năm về trước".
 
Hố sụt nằm trong quần thể rạn san hô Belize ngoài khơi Trung Mỹ, giáp với Mexico và Guatemala. Quá trình hình thành của rạn san hô này được ước tính từ 70 triệu năm trước. San hô ban đầu phát triển trên các khối núi lớn, dần ổn định và tăng trưởng thêm. 

Hơn 10.000 năm trước, khi mực nước biển dâng chậm, san hô phát triển nhanh hơn và tạo ra các bức tường bên ngoài hố. Vùng trũng bên trong hố cũng có kết cấu bao phủ này.

Đoàn khách lặn nhỏ bé trong lòng Hố Xanh. Ảnh: @scubajonjake.

Sự xa xôi và cách biệt giúp Hố Xanh ẩn chứa một lịch sử kỳ bí. Mặc dù dấu tích khảo cổ không nhiều nhưng các nhà khoa học tin rằng người Maya cổ đã cư trú trên một vài hòn đảo thuộc rạn san hô này trong hơn 1000 năm. Tuy nhiên, giả thiết đó vẫn là chủ đề gây tranh cãi, bởi không có bằng chứng chắc chắn về mối liên quan giữa nền văn minh Maya và Hố Xanh.

Hệ sinh thái đa dạng trong di sản thế giới. Ảnh: Man Vs Clock.

Năm 1836, nhà sinh vật học nổi tiếng Charles Darwin đã ca ngợi tuyệt tác của thiên nhiên này là “rạn san hô trù phú và tuyệt vời nhất trên toàn bộ miền Đông biển Caribbean". Đến giữa thập niên 1970, nhà khoa học Jacques Cousteau đã hoàn thành khám phá nổi tiếng nhất của mình khi tìm ra Hố Xanh Khổng Lồ và rạn san hô Belize.

Thợ lặn người Canada gốc Belize, Captain Ray, nói: “Nhờ sự xa xôi và tách biệt, những rạn san hô này vẫn gần như nguyên vẹn so với 30 năm về trước, môi trường dưới nước vẫn trong lành đến khó tin”.

Theo Trường Đặng/VnExpress

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ho-sut-khong-lo-giua-dai-duong-o-chau-my-a511240.html