Nỗi ân hận của người mẹ từng... gian lận thi cử

Tôi – một người mẹ từng cần mẫn vào vai chạy chọt thi cử cho con, và tôi đã thực sự lâm vào bi kịch khi lo cho con mà không hiểu rằng, tôi đã thực sự hại con.

 
Nỗi ân hận của người mẹ từng... gian lận thi cử - 1

Hôm nay, tôi có thể tô vẽ cho con bằng những điểm số. Nhưng chắc chắn, tôi không thể dạy con thành người bằng sự dối trá. Ảnh: Internet.

Ngay khi con còn bé, ở cấp học thấp, tôi luôn sợ con có bảng điểm không đẹp, sợ con bị tuột dốc. Dường như chưa khi nào các con đáp ứng được nguyện vọng của mình. Tôi cảm thấy mình “cực” và luôn trong trạng thái ức chế khi phải nhẫn nhục luồn cúi để xin xỏ cho con.

Hết đứa lớn rồi đến đứa bé, nhất là những kỳ thi đến, dường như vợ chồng tôi đang thi thì đúng hơn. Bởi tôi biết, nếu bố mẹ không vào cuộc thì chắc chắn con chỉ đem lại nỗi thất vọng…

Tự khi nào, những kết quả học tập “đẹp như mơ” của các con đem về chính là kết quả của sự cố gắng không mệt mỏi của chúng tôi. Tự khi nào tôi cảm thấy xấu hổ mỗi khi ai đó nhắc đến chuyện học hành của con.

Tư tưởng đánh bóng thành tích của con đã ăn sâu, bám rễ khiến tôi không sao thoát ra được. Tôi cần mẫn đổ tiền cho con đi học thêm đủ các lớp, các trung tâm. Ở nhà, vợ chồng tôi động viên hết lời và thuê cả gia sư toán, tiếng Anh để dạy riêng cho con nữa.

Có người từng khuyên tôi: “Thời nay cha mẹ mượn tay gia sư và giúp việc để hại con, con lớn người nhưng non tính”. Tôi bỏ qua những lời bàn tán, cứ lấn sâu vào việc can thiệp điểm số của con.

Dù có lúc ngẫm lại, tôi thấy mình đang tác động không nhỏ vào chuyện học và tương lai của con. Nhưng rồi tôi lại chép miệng: “Thôi kệ, thế hệ mình phải có trách nhiệm với con cái, nếu không giúp con thì giúp ai?”.

Nhớ cái đợt con trai thi trượt cấp 3 tại Hà Nội. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng tôi lại “vào cuộc” nhờ vả người thân quen để xin vào bằng được. Rồi tự lúc nào, con cứ như kí sinh vào mối quan hệ cũng như kinh tế của bố mẹ. Có lúc, tôi cũng “lên giây cót” cho con, cũng nhắc nhở và định hướng cho con nhưng rồi như một quy luật tất yếu, con vẫn không thể tự thân vận động.

Trước kết quả học tập bết bát của con, tôi chỉ biết thở dài. Sau khi con thi đỗ tốt nghiệp cấp 3 với điểm số sát nút, vợ chồng tôi cho con học một trường cao đẳng. Ra trường, con vẫn cứ ì ra, suốt gần 2 năm trời nằm nhà chờ bố mẹ đi xin xỏ, con chỉ mải miết làm bạn với cái điện thoại, đọc báo và lướt facebook.

Nhìn thấy con như đang bị lùi lại phía sau, hơn 20 tuổi nhưng kém năng động, kém linh hoạt, không có mối quan hệ và chưa trưởng thành, tôi chột dạ và bắt đầu lo lắng. Tôi có cuộc nói chuyện nghiêm túc với con mới vỡ lẽ khi con nói:

“Bố mẹ luôn chạy trước lo lót cho con thì con học cũng chỉ còn là nghĩa vụ. Bố mẹ có bao giờ để con lo lắng gì đâu? Nhiều khi con thấy xấu hổ với điểm số và những tấm giấy khen của mình đem về. Vì con biết - đó là công sức của bố mẹ chứ không phải của con…”.

Tôi ngỡ ngàng khi nghe con nói như thế!

Hết lần này đến lần khác, chúng tôi đều chạy đua với tương lai của con qua các kỳ thi. Có lúc tôi cũng nhận ra mình đang quá trớn, đánh cắp sự trưởng thành của con. Cũng có lúc tôi thấy bất lực nhưng vẫn phải cố bởi nếu không, con sẽ chẳng thể là “ông nọ, bà kia”.

Tôi đã tưởng, tất cả sự cố gắng, đầu tư sức lực, tâm huyết lẫn tiền bạc của mình là vì tương lai của con. Nhưng không phải, vì cậy chữ tiền, tôi đã vô tình làm hại con mình. Tôi đã không để cho con mình được lớn.

Còn tôi, như con thiêu thân cứ gồng mình lên để giúp con bằng cách này hay cách khác cốt mong con bước đến cánh cửa tương lai ngắn nhất. Để rồi, dù đã lo cho con một chỗ làm ổn định, con vẫn không ngừng bấu víu mẹ cha. Hàng tháng, chúng tôi vẫn hỗ trợ con về mặt kinh tế vì lương con không đủ ăn.

Năm nay, con gái út của tôi bước vào lớp 12, tôi đã nhận ra, mình đã sai lầm đến thế nào. Hôm nay, tôi có thể tô vẽ bằng những điểm số. Nhưng chắc chắn, tôi sẽ không thể dạy con thành người với sự dối trá, càng không thể lo cho con được cả đời.

Tôi tự hỏi đã được gì từ những tấm giấy khen và bảng thành tích đẹp kia? Tự hào ư? Có gì để tự hào khi nó không phải của con mình? Để xoa dịu hay không bị mất mặt với bạn bè, đồng nghiệp?

Từng phải gồng mình vì con, nên tôi phần nào thấu hiểu nỗi lòng của những phụ huynh có con đi học, đi thi thời nay. Có lẽ, đến lúc chúng ta nên dừng lại, đừng “cố đấm ăn xôi” để thỏa mãn cơn khát thành tích của mình. Chúng ta được gì hay chỉ vỏn vẹn là sự chây ì, lười phấn đấu của con?

Ngoài 20 tuổi, đã đi làm nhưng con đầu của tôi vẫn cầu cạnh túi tiền của bố mẹ có nên hay không?  Có khi nào sự ngây thơ, thiếu tự lập của con chính là sản phẩm lỗi trong tư duy sính thành tích của chúng tôi? Phải chăng chính phụ huynh đang đẩy con vào bi kịch mang tên thi cử?

Năm này qua năm khác, người ta nhắc đến thực trạng ngồi nhầm lớp nhưng nút thắt vẫn chưa được mở. Cho đến khi vỡ lở chuyện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương đủ để phần nào chúng ta thấy, phụ huynh cũng có trách nhiệm khi đẩy con em mình vào bi kịch đầu đời. Những đứa trẻ được “nâng điểm” ấy sẽ đối mặt với dư luận, bạn bè ra sao khi đã bị “bóc mẽ”? Liệu các em sẽ nhận lại là gì? Câu hỏi này ai có thể trả lời được ngoài phụ huynh?

Nhiều người ngỡ ngàng với điểm thi của thí sinh được gian lận và đẩy lên tới 20 điểm, thậm chí tới 29 điểm so với điểm thực chất. Nếu như vụ việc này trót lọt thì những em học sinh “may mắn” ấy sẽ nghiễm nhiên bước chân vào những giảng đường tốt nhất.

Là người từng bỏ tiền “mua tấm vé” cho con nên tôi hiểu, khoản tiền ấy chỉ mua được cái danh hão, nhưng thực ra cha mẹ đã bán rẻ cả tương lai của con mình.

Liên Ngọc (Hà Nội)

Theo Khám phá
 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/noi-an-han-cua-nguoi-me-tung-gian-lan-thi-cu-a511940.html