Bức ảnh như thêm lời giục giã những ngọn hải đăng tiếp tục sáng lên để những “con thuyền” còn biết đến nẻo về...
Có câu: Người ta bị lạc vì họ không biết đích đến ở đâu. Tôi thấy đúng. Thuở xanh mướt nọ, tôi đôi phen cũng lạc ngay giữa phố quen. Như nhiều người chồng, người vợ tan sở chiều về, đường quen lối đấy mà lạc mãi bước chân. Như cuối tuần, có những người chồng, người vợ vẫn chọn đi làm hoặc đi đâu đó thay vì ở nhà, vì mái ấm đã thành mái hiên.
Thế nên bức ảnh này trở nên ý nghĩa. Ở đó, người đàn ông nhắn nhủ trên lưng áo của mình: Nếu tôi bị lạc, hãy đưa tôi về với Jan. Còn dòng chữ trên lưng người vợ chỉ đơn giản: Tôi là Jan.
Bức ảnh này, tôi đã đăng nó đến cả chục lần trên facebook của mình. Cuộc đời này cần lắm những “Jan” như trong ảnh. Chẳng phải chờ đến mai này mốt nọ khi mái đầu mây phủ, mà ngay bây giờ, ngay lúc này, chúng ta có thể thành hải đăng cho nhau. Để giữa đêm tối ngút ngàn, giữa biển cả bao la, bạn đời của mình vẫn biết nẻo về thay vì lạc lõng, côi cút ngoài kia.
Nhưng làm sao để chúng ta trở thành ngọn hải đăng trong lòng nhau? Tôi không chỉ cách làm thế nào đâu vì mỗi người một cách, tuỳ theo “con thuyền”. Tôi chỉ mong những người chồng, người vợ đừng làm tắt đi ngọn đèn trong mình.
Ngọn đèn ấy chính là lòng tin dành cho “con thuyền” của mình. Nó sáng được nhờ lòng tin. Là anh tin em. Là em tin anh. Là không phải anh, chẳng phải em mà phải là CHÚNG TA. Tin vào cuộc hôn nhân này sẽ bền vững khi cả hai cùng dốc lòng với nó. Tin vào hạnh phúc ta xứng đáng có được.
Tin cả vào sự thay đổi của nhau. Tin vào cả sự hối cải và lòng dung thứ. Tin rằng những khó khăn hôm nay chỉ là những thử thách để ta trưởng thành mai này.
Tôi vẫn đùa rằng: Cặp đôi nào chụp chung với nhau đủ 10.000 tấm ảnh, họ sẽ sống với nhau đến hết đời. Nếu mỗi ngày chụp 1 tấm ảnh thì 30 năm ta sẽ có 10.000 tấm ảnh thôi. Mà kể cả mỗi ngày chụp 10 tấm ảnh, sau 3 năm, với 10.000 tấm ảnh, chắc chắn họ cũng sẽ không rời nhau được đâu.
Bởi tôi tin: Các cặp đôi CÙNG NHAU làm một điều gì đó mỗi ngày trong suốt 3 năm, chắc chắn họ sẽ da liền da, thịt liền thịt, chỉ có cái chết mới chia lìa được họ. Như mỗi ngày, trong suốt 3 năm, 30 năm hay 300 năm, họ luôn trở thành hải đăng của nhau, thì làm sao mà chia xa nhau cho được kia chứ!
Tôi đã từng gặp những người vợ lạc mất chồng mình nhiều năm. Họ vẫn đi kiếm tìm, vẫn nỗ lực trở thành ngọn hải đăng mà cháy. Người ngoài có thể cho rằng họ khờ dại, họ ngu ngốc. Ở cái thời mà con người ta quyết định ly dị nhau dễ hơn cả ra quyết định nghỉ việc thì những người như thế hẳn sẽ bị bĩu môi.
Nhưng hôn nhân nào phải chuyện ngày một ngày hai? Hôn nhân là chuyện cả đời người kia mà? Ta huỷ bỏ đi cuộc hôn nhân này để bước sang một cuộc hôn nhân khác thì dễ nhưng hạnh phúc hơn hay hạnh phúc kém thì chẳng ai biết trước đâu.
Mặc dù đúng là có những người kết hôn với nhau là một sai lầm. Nhưng ly dị là cách sửa chữa sai lầm đó. Mặc dù đúng là có những người phải đến lần kết hôn thứ 2 mới đúng người của họ. Và mặc dù đúng là có những gã chồng không ra gì, có những mụ vợ đáng bỏ đi, nhưng nếu không phải thế, mọi quyết định tắt đi ngọn hải đăng trong mình đều không chỉ khiến “con thuyền” kia lạc bến mà ngay cả chính ta- ngọn hải đăng không đèn- cũng thành trơ trọi.
Chúng ta thôi đừng nói đến chuyện giải phóng phụ nữ nữa, đừng nói đến chuyện bình đẳng giới nữa. Vì hôn nhân không phải được nuôi dưỡng bằng việc bình đẳng giới hay người phụ nữ được đứng lên. Vì hạnh phúc vốn cũng chẳng phải đo bằng việc có một ông chồng biết chăm lo nhà cửa giúp vợ. Mà nó nằm ở việc ta có bằng lòng với người chồng hiện tại của ta hay không? Hai người có sẵn lòng cùng nhau đi xa nhất có thể hay không? Hai người có cùng tin rằng hôn nhân này bền vững hay không?
Đầu tuần, đăng lại bức ảnh và thêm lời giục giã những ngọn hải đăng tiếp tục sáng lên để những “con thuyền” còn biết đến nẻo về…
Theo Hoàng Anh Tú/Khám phá
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/de-ta-con-biet-neo-ve-a512663.html