Trước đây vụ Khải Silk tráo đổi nhãn mác của mặt hàng khăn lụa, xét cho cùng chỉ diễn ra ở một hai mặt hàng/sản phẩm, và đó cũng là những sản phẩm chủ yếu mang tính trang sức dành cho người lớn.
Nhưng với những sản phẩm mập mờ nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ của Con Cưng, đối tượng sử dụng là mẹ bầu và trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi, rất nhạy cảm với chất lượng và sự an toàn của sản phẩm, thế nhưng lại không thể biết đích xác được nguồn gốc cũng như chất lượng những sản phẩm họ mua về sử dụng ra sao.
Một mẫu số chung từ trường hợp Khải Silk đến trường hợp Con Cưng là, sau khi thương hiệu được nhiều người biết đến, họ bán ra các sản phẩm với giá không hề rẻ nếu không nói là cao, và trong số những sản phẩm đó có những loại mập mờ về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.
Vì sao họ làm vậy? Dễ hiểu thôi: Vì lợi nhuận khủng. Điển hình từ vụ Khải Silk đã cho thấy, khăn lụa nhập từ Trung Quốc giá chỉ tương đương vài chục ngàn đồng/chiếc, nhưng khi bán tại cửa hàng Khải Silk ở Việt Nam giá gần 100USD/chiếc.
Một đồng nghiệp của tôi bức xúc rằng: Khoảng 3 năm trở lại đây chị đều mua hàng từ Con Cưng cho hai đứa con nhỏ. Biết là đắt hơn mua tại các shop bình thường đến ba lần nhưng cũng chấp nhận vì tin vào thương hiệu Con Cưng gắn với những cam kết và bảo đảm về chất lượng, an toàn, làm ăn chân chính. Thế nhưng với scandal hiện nay của Con Cưng, chị không những mất niềm tin đối với hệ thống này mà còn tiếc rẻ số tiền tổng cộng hơn 30 triệu đồng đã mua hàng từ Con Cưng lâu nay.
Lúc này, còn ai, những bà mẹ bỉm sữa hay phụ nữ đang mang thai nào, còn có niềm tin vào Con Cưng nữa? Nếu ai đó, còn tin vào Con Cưng với những hành vi mập mờ, nhập nhèm có dấu hiệu gian lận thương mại lừa dối người tiêu dùng, cũng có thể xem như đó là niềm tin mù quáng rất dễ dẫn đến hệ lụy tiền mất tật mang.
Mỗi năm Con Cưng doanh thu vài ngàn tỉ đồng. Vậy đã có bao nhiêu trăm tỉ, ngàn tỉ đồng trong tổng doanh thu đó được thu về từ những lô hàng, sản phẩm bị cắt dán tem, nhập nhèm nhãn mác.v.v… chưa biết chất lượng ra sao?