Ảnh: Internet
Từ hàng vạn năm trước, đàn ông đã đi săn bắt kiếm thịt về nuôi gia đình, còn vợ ở nhà trông con hoặc hái lượm những hoa quả ở gần. Trong nền kinh tế tiểu nông kéo dài nhiều thế kỷ, lao động của đàn ông cũng đóng vai trò chính, vì vậy họ cũng làm chủ về kinh tế. Suốt tiến trình lịch sử như thế đã trở thành nếp sống, nếp nghĩ ăn sâu vào tiềm thức con người. Vì thế khi có hiện tượng phụ nữ kiếm tiền nhiều hơn chồng làm cho đàn ông không khỏi có mặc cảm bị… lép vế.
Nhưng ngày nay đa số phụ nữ coi việc kiếm tiền không chỉ là việc riêng của nam giới mà là nhiệm vụ chung của cả hai vợ chồng. Họ đã rút được ra nhiều kinh nghiệm từ các vụ ly hôn: Phụ nữ bị chồng đối xử tệ bạc nhưng vẫn phải cam chịu bởi nếu ly hôn sẽ sống bằng gì? Không những thế việc đi làm ngoài xã hội còn giúp đầu óc mở mang hơn, tinh thần thoải mái hơn, khi họ cảm thấy mình không phải sống bám vào người khác.
Viện nghiên cứu gia đình ở Henxanhki đã có một công trình so sánh giữa những phụ nữ ở nhà nội trợ và phụ nữ đi làm có lương. Họ nhận thấy, việc làm có lương đã đem lại cho những phụ nữ đi làm niềm vui và sự bình đẳng. Chính niềm vui đó có tác động rõ rệt đến hạnh phúc gia đình. Một chị nói: “Tôi thừa nhận việc chăm sóc con là một công việc vô cùng ý nghĩa nhưng khi cuộc sống chỉ có mỗi việc đó thì tôi chẳng còn chút niềm tin nào vào giá trị bản thân và thấy mình giống như cái máy đẻ hoặc ô-sin". Người ta cũng nhận thấy những phụ nữ có thu nhập cao thì ham muốn tình dục của họ cũng cao hơn những người chỉ ở nhà làm nội trợ.
Nam giới có muốn vợ đi làm ngoài xã hội không? Đây chính là vấn đề của xã hội hiện đại. Khi chồng kiếm tiền nuôi cả nhà, gia đình thường êm ấm hơn nhưng ngược lại nếu người vợ kiếm tiền, trong khi chồng lại không làm được bằng vợ là dễ nảy sinh mâu thuẫn về tình cảm. Đa số các ông chồng đều không thoải mái khi phải tiêu pha, mua sắm bằng những đồng tiền do vợ làm ra. Trong thực tế, không ít phụ nữ có tài, kiếm ra nhiều tiền khiến chồng cảm thấy mất tự tin và gia đình lủng củng thậm chí phải ly hôn, nhất là khi vợ lại ra vẻ vênh vang do mình mà kinh tế gia đình khấm khá lên. Trong trường hợp đó, có những đàn ông cũng tìm mọi cách kiếm tiền để không thua kém vợ và để không phải tiêu bằng đồng tiền của vợ.
Một nữ tiến sĩ giảng viên một trường đại học ở Hà Nội có chồng và hai con. Mấy năm chị làm nghiên cứu sinh không kiếm ra tiền, tuy kinh tế khó khăn nhưng tình cảm vợ chồng rất đầm ấm, hạnh phúc. Chồng lo cho vợ từng món ăn ngon để có sức khoẻ mà làm luận án tốt nghiệp. Nhưng từ sau khi chị có học vị tiến sĩ, được nhiều trường đại học thỉnh giảng, chị xách cặp đi Nam về Bắc đem về cho gia đình những món tiền không nhỏ. Nhưng cũng từ đó chồng không quan tâm đến vợ nữa, anh mặc cảm là vợ không còn tôn trọng mình và chỉ ngưỡng mộ những người tài giỏi hơn. Từ đó anh hay đi khỏi nhà vui chơi bè bạn cho đến khi chị phát hiện anh có bồ.
Nhà xã hội học Tavrit cho rằng, nếu nam giới không chấp nhận được việc người vợ có khả năng kiếm tiền hơn mình thì đồng tiền do người vợ làm ra có khi không đem lại hạnh phúc mà trái lại làm cho nó rạn nứt. Đó là thực tế đang diễn ra ở những nước phát triển, ngay cả ở những nước cùng khu vực với chúng ta.
Nên chăng, khi người vợ hiểu là chồng bao giờ cũng thích hơn mình, nên có cách ứng xử tế nhị, không ỷ vào sức mạnh đồng tiền khiến người đàn ông cảm thấy lép vế.
Nhật ký đàm thoại của một trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hà Nội còn ghi lại câu chuyện có một chị cậy mình làm ra tiền nên thường tự ý mua sắm những đồ dùng có giá trị không bàn bạc với chồng. Một hôm ông chồng đang ngồi nhà thì thấy nhân viên siêu thị chở đến một cái tủ lạnh khá lớn, chắc là vợ mua để thay cái tủ lạnh cũ. Anh nổi nóng không cho họ khiêng cái tủ lạnh mới vào nhà và bắt đem trả lại siêu thị. Chị vợ được tin cũng nổi nóng đùng đùng cho là chồng gàn dở, sướng không biết đằng sướng. Lời qua tiếng lại hai bên cãi nhau căng thẳng đến mức đòi ly hôn.
Điều đáng buồn nữa là khi người đàn ông cảm thấy mình thua kém về phương diện kiếm tiền thì có thể họ nể trọng vợ hơn nhưng tình yêu lại suy giảm và sự nồng nàn chăn gối cũng cũng sa sút theo, ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình. Thế mới biết để thay đổi được một nếp nghĩ đã định hình từ lâu đời, đôi khi cũng cần đến sự khéo léo tế nhị khi người vợ làm ra nhiều tiền hơn chồng.
Theo Kiến thức & Gia đình
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khi-vo-co-thu-nhap-hon-chong-a513346.html