Ảnh: Internet
Thị Nở biết dùng cụm từ “Đồ phải gió…” rất chính xác
Những thước phim điện ảnh quay cảnh vườn chuối, đêm trăng, Thị Nở ngủ quên. Và đây cũng một đêm mà đôi lứa Thị Nở- Chí Phẻo tỉnh dậy có nhau trong đời và trong cả cái cảnh chú ếch lóc lẻm nuốt nước miếng (chắc chú ếch là nhân chứng của đêm này).
Cũng chính trong đêm trăng thanh mát nơi vườn chuối, câu thoại đầu tiên của Thị Nở trên phim lần đầu tiên được mở ra, giao tiếp với Chí Phèo: “Ôi, buông ra, buông ra không tôi kêu lên bây giờ”/ “Kêu à?- Chí cười khà khà: “Ối, làng nước ơi, bố con thằng bá Kiến nó giết tôi. Ôi làng nước ơi, ra đây mà xem này”./ Thị Nở kéo Chí Phèo về phía mình, ôm và ghì chặt lấy Chí. “Đồ phải gió, sao lại kêu lên thế?”, Thị Nở vừa nói vừa thở. Đó là cách mắng yêu của một người đàn bà lần đầu tiên được yêu một người khác giới, theo nghĩa trần tục nhất.
Thế còn những phụ nữ của ngày nay, mỗi ngày được “giăng mắc” bao nhiêu thứ ngôn ngữ của đời sống hiện tại, đã đôi lần dùng cụm từ “Đồ phải gió…” để mắng yêu chồng mình, khi cần thiết?
Điệu tình Thị Nở có ở âm “i”
Trong nguyên tác và trên phim Làng Vũ Đại ngày ấy, Chí Phèo có dòng ngôn ngữ riêng, đặc trưng là tiếng chửi của một người đàn ông khốn cùng say khướt. Còn Thị Nở, ngôn ngữ của nhân vật rất chắt lọc.
Âm điệu của Thị Nở ở phân đoạn: “…Cháo nóng đấy/ ăn đi!”, rồi “Ăn điiii”, rồi “Ăn đi”, “Ăn nóng ra mồ hôi nhiều là khỏi ngay đấy!” “Sao đêm qua liều thế? Nhỡ trúng gió thì chết toi đấy!”.
Còn gì dịu ngọt hơn khi Nở dỗ dành Chí Phèo húp bát cháo hành trong buổi sớm tỉnh giấc của đời người. Thú thật, ở vị trí khán giả khi xem phim, tâm trí tôi vẫn vảng vất cái âm “i” đầy mê hoặc, rất đàn bà của Thị Nở.
Và, nhiều lần cũng tự hỏi, mình- một phụ nữ tuổi 30, đã bao giờ bưng bát cháo hành để dỗ dành chồng khi “trúng gió” được như Thị Nở hay chưa?
Cảm hóa Chí Phèo bằng tình yêu, tình người
“Thị thấy như yêu hắn: đó là một cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn”, nhà văn Nam Cao đã viết trong tác phẩm như thế.
Thị Nở, dưới nhiều góc nhìn phê bình văn chương và điện ảnh, vẫn là hiện thân của tình yêu và tình người đủ bao dung, ấm áp để cảm hóa một người đàn ông say khướt và liều lĩnh như Chí Phèo.
“Lòng yêu đó của Thị Nở đã giúp Chí Phèo dứt cơn say. Tỉnh dậy Chí Phèo thấy lại cuộc đời bình dị và ấm áp qua tiếng chim hót vui vẻ, tiếng người cười nói xôn xao”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã viết trong cuốn Nhà văn như Thị Nở, với dụng ý nhấn mạnh tình yêu khơi dậy tính người của Thị Nở và Chí Phèo.
Có một chi tiết cần lưu ý, Thị Nở vốn dĩ là một người xấu “nhất quả đất”, sống cùng bà cô già không chồng và luôn hằn sâu những định kiến cay nghiệt về hôn nhân. Thế nhưng, khi gặp Chí Phèo, Thị Nở “san phẳng” định kiến của bà cô già, để đời mình sát lại gần đời Chí Phèo.
Thị Nở không cự tuyệt Chí Phèo, ngược lại, bao dung đón nhận từng ánh mắt đầu tiên của Chí Phèo, bất kể đang lúc say khướt. Bằng bát cháo hành giải cảm dành cho Chí Phèo, Thị Nở đã khơi dậy chất người trong người đàn ông này.
Trong những diễn biến khó lường của đời sống, nếu một ngày, người đàn ông là chồng mình trở nên đổ đốn, thì phụ nữ hiện đại có nghĩ từ tấm lòng bao dung của Thị Nở mà điều chỉnh cách ứng xử với chồng mình?
Từ tâm của người vợ, người mẹ nhiều khi “cứu vớt” được một cuộc đời của người đàn ông lầm đường lạc lối. Tất nhiên, phụ nữ khôn ngoan khi phải dùng đến “lòng bao dung, vị tha” thì cũng phải dùng đúng lúc mới hiệu nghiệm, mới không lãng phí cho việc giữ gìn tổ ấm của mình.
Theo Guu
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/phu-nu-hien-dai-can-hoc-gi-tu-thi-no-a513597.html