Hồ Thủy Tiên, Huế, Việt Nam
Đây là một trong những công viên nước bị bỏ hoang nổi tiếng trên thế giới. Thực tế, du khách nước ngoài tới Việt Nam vẫn coi chốn hoang vu này như một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Công viên tốn 3 triệu USD để xây dựng được mở cửa vào năm 2004 dù nhiều hạng mục chưa được hoàn thiện. Sau đó, do hoạt động kém hiệu quả, công viên ngừng hoạt động vào năm 2011 và được chuyển giao cho đơn vị khác quản lý. Tuy nhiên, tới thời điểm này, khu vui chơi đã hoang phế, các tác phẩm điêu khắc hư hỏng, cỏ mọc um tùm.
Lake Dolores ở Newberry Springs, California, Mỹ
Công viên nằm ngay gần xa lộ Interstate 15 ở sa mạc Mojave, do một doanh nhân xây dựng cho gia đình vào đầu những năm 1960. Khu vui chơi được đặt theo tên vợ của ông. Các địa điểm tham quan khác tại đây mở rộng qua các năm. Vào đầu năm 1970, khu vực này đã trở thành công viên nước nổi tiếng. Tuy nhiên, lượng khách giảm dần vào cuối những năm 1980 và công viên đóng cửa.
Khu giải trí này mở cửa trở lại vào năm 1998. Nhưng một tai nạn xảy ra tại đây làm một nhân viên bị liệt hai chân là nguyên nhân chính dẫn đến lượng khách sụt giảm và đóng cửa vào năm 2004.
Disney's River Country ở Hồ Buena Vista, Florida, Mỹ
Công viên nước đầu tiên của Walt Disney mở cửa vào năm 1976. Cùng với Discovery Island, đây là một trong hai công viên Disney bị đóng cửa vĩnh viễn. Khu vui chơi từng phát triển mạnh đóng cửa vào năm 2001 do xảy ra nhiều tai nạn và ảnh hưởng của vụ khủng bố ngày 11/9.
L'Aquatic Paradis tại Sitges, Tây Ban Nha
Nằm ở vùng Catalonia của Tây Ban Nha, công viên khai trương vào đầu những năm 1990. Sau hai năm, một tai nạn bi thảm - tin đồn có một đứa trẻ bị kéo dưới nước bởi động cơ của máy tạo sóng - và khoản nợ lớn buộc công viên nước phải đóng cửa.
Atlantis Marine ở Two Rocks, Australia
Khi mở cửa vào năm 1981, công viên được coi là phương án thay thế cho Gold Coast, địa danh nổi tiếng của Australia với những bãi biển đẹp. Khu vui chơi đã đóng cửa vào năm 1990 do sự cố về tài chính.
Wonderland ở Midland-Odessa, Texas, Mỹ
Mở cửa vào năm 1980, đây là điểm đến mùa hè nhộn nhịp cho các gia đình trong khu vực Odessa. Do sự cố tài chính và vụ kiện liên quan đến một đứa trẻ bị thương khi cưỡi ngựa tại đây, công viên tuyên bố phá sản vào thập niên 1990. Khu vui chơi này đã thay đổi chủ trước khi bị bỏ hoang vào năm 2003.
Safari Lagoon tại Pandan, Selangor, Malaysia
Nằm trên tầng thượng của một trung tâm thương mại, Safari Lagoon được coi là một trong những công viên giải trí lớn nhất Đông Nam Á khi mở cừa vào năm 1998.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc công viên đóng cửa vào năm 2007. Ngoài việc Safari Lagoon hoạt động không có giấy phép trong 8 năm, đã có một nhân viên bị chết do mắc kẹt trong một khoang bơm nước áp suất cao.
Fun Park Fyn ở Aarup, Funen, Đan Mạch
Công viên giải trí ở Đan Mạch được khai trương vào những năm 1980. Tuy nhiên, nó đã phải đóng cửa sau khi bị cáo buộc phá sản vào năm 2006. Các điểm tham quan phủ đầy bụi bẩn theo thời gian, làm cho nơi bị bỏ hoang này trở nên ảm đạm hơn.
Wet n' Wild tại Ga Vineland, Ontario, Canada
Kể từ khi đóng cửa vào năm 2002, công viên nước bị bỏ hoang ở Ontario - một phần của khu giải trí Prudhommes Landing - đã trở thành nơi sáng tác tuyệt vời cho các nghệ sĩ graffiti.
Aquaria ở Cervia Pinarella, Ravenna, Italy
Nhờ các đường trượt nước, hồ bơi và bồn tạo sóng, Công viên Aquaria là điểm đến tuyệt vời ở Ravenna trong những năm 1990. Nó cung cấp các tiện nghi mà các công viên nước khác thời điểm đó không có, như bóng chuyền bãi biển và sân tennis. Vào ban đêm, khu giải trí cũng mở một sàn nhảy. Nó đóng cửa vào năm 2004.
Theo Lan Anh/Vnexpress
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cau-chuyen-dang-sau-nhung-cong-vien-nuoc-bi-bo-hoang-a514116.html