Ảnh: Internet
Đàn ông đưa hết tiền cho vợ kiểm soát là khôn hay dại?
Khi lập gia đình, hầu hết các thành viên đều đặt ra vấn đề rằng tiền bạc cần được rạch ròi, ngoài khoản tiền chung thì cần có những khoản riêng với những mục đích sử dụng khác nhau. Điều này sẽ tránh xảy ra những tình huống eo le, chẳng hạn khi cần mua món quà tặng vợ, hay tặng sinh nhật bố vợ, người chồng sẽ cảm thấy khó xử hoặc bị tổn thương khi phải thốt ra câu 'em cho anh xin tiền"...
Trên thực tế, phụ nữ thường có tâm lý thích kiểm soát ví tiền của chồng, kiểm soát càng nhiều sẽ càng tốt, nhất là những vấn đề thu chi ngoài xã hội. Tất nhiên, có những điều chồng có thể thẳng thắn trao đổi, cũng có những cái chẳng cần rạch ròi.
Nhiều phụ nữ thường hành xử với quan điểm rằng, ai là người nắm kinh tế của gia đình thì người đó có tiếng nói. Nhưng chưa hẳn điều này đã đúng, sẽ tốt hơn nếu cả hai vợ chồng cùng kiểm soát kinh tế, có sự trao đổi và tôn trọng tài chính lẫn nhau.
Tiền bạc là vấn đề giữa vợ chồng khi đặt ra cần có sự tế nhị, nếu không giữa một trong hai sẽ gây ra những mâu thuẫn ngầm, và vô hình chung trở thành một người 'đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành' trong mắt người còn lại.
Việc đàn ông đưa hết tiền cho vợ kiểm soát trong nhiều tình huống sẽ được gọi là khôn, cũng có trường hợp bị chê là khờ. Tuy nhiên, vấn đề không phải khôn hay khờ mà là chính người đàn ông ấy, biết cân bằng mọi vấn đề trong gia đình, có thể để vợ kiểm soát nhưng đồng thời vẫn cần có những nguồn quỹ riêng một cách minh bạch.
Đừng để đến nỗi, biến mình thành trò lố, hay mất mặt khi đưa hết tiền cho vợ rồi hớt hải chạy theo xin tiền vợ lúc bỗng nhiên có tình huống phát sinh trong cuộc sống. Đừng để chỉ vì một lời khen rằng khôn hay dại, khi để vợ kiểm soát tiền bạc, mà đánh mất đi sự chủ động của mình.
Thiết lập quỹ chung - hình thức cứu cánh về vấn đề tiền bạc vợ chồng
Rất nhiều bà vợ giữ vai trò tay hòm chìa khoá cho gia đình, nhưng lại tiêu xài rất phung phí, cũng không có mặc định chi tiêu một cách rõ ràng dẫn đến hao hụt tài chính gia đình.
Do đó, việc cả hai có một quỹ chung và cùng nhau quản lý là điều hết sức quan trọng. Khi một trong hai có những động thái bất ngờ, cần sử dụng số tiền lớn trong quỹ chung, thì bên còn lại sẽ hoàn toàn nắm bắt được.
Tất nhiên, nắm bắt không phải để dò la, suy xét, điều tra nhau đến cùng, bởi vợ chồng khi đã về sống chung một nhà thì trước hết cần đã có sự trao đổi, thoả thuận cùng nhau khi có công việc chính đáng.
Trong trường hợp, vợ hoặc chồng không có sự thông báo, trao đổi nhưng tự ý sử dụng số tiền lớn trong quỹ chung, nhất là khi sử dụng với mục đích tiêu cực, thì bên còn lại sẽ có những can thiệp kịp thời để bảo vệ kinh tế gia đình.
Vậy nên có sự duy trì quỹ chung thế cho phù hợp? Điều này không có một quy chuẩn nhất định dành cho mọi gia đình, bởi nó còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như sự thoả thuận của hai vợ chồng.
Có thể chồng sẽ góp 80 % thu nhập với vai trò là trụ cột kinh tế của gia đình, hoặc ít hơn, hoặc vợ có thể san sẻ 50/50 cùng chồng. Sao cũng được, miễn là nguồn quỹ chung này được duy trì.
Chúng ta không nên quá đặt nặng chuyện duy trì với số tiền bao nhiêu, bởi xét cho cùng cái mà vợ chồng cùng nhau duy trì không phải tiền, mà chính là sự đồng thuận, sẻ chia, thấu hiểu và hướng đến mục tiêu hạnh phúc gia đình.
Theo Thegioitre.vn
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vo-chong-chung-tien-dieu-gi-se-xay-ra-a514604.html