Người ta cứ bắt con dâu có nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ chồng, vậy sao không ai nghĩ đến việc con rể cũng phải đối xử, báo hiếu lại bố mẹ vợ? Ảnh minh họa
Là phụ nữ, sinh ra đã phải chịu bao nhiêu là thiệt thòi. Đến khi lấy chồng, sinh con lại càng vất vả hơn nữa. Đã thế ngoài việc phục vụ chồng, phục vụ con. Họ lại còn có nghĩa vụ phục vụ cả bố mẹ chồng, chăm lo cho gia đình chồng.
Ngày về nhà chồng, hầu hết các cô dâu đều được khuyên bảo phải “giữ phận dâu con”, phải biết cáng đáng “giang sơn nhà chồng”, phải “xem cha mẹ chồng như cha mẹ ruột” và vô vàn thứ bổn phận, trách nhiệm khác.
Lấy chồng phải chăm sóc cha mẹ chồng? Vì sao cô dâu phải chăm sóc cha mẹ chồng khi cha mẹ chồng chưa một ngày chăm sóc cô? Ai bắt cô phải vâng lời hoặc nín nhịn nếu cha mẹ chồng hành xử không đúng mực? Cho trong ấm ngoài êm? Cho gia đình hòa thuận? Làm sao có thể trong ấm ngoài êm được khi mà sự uất ức trong lòng những cô con dâu còn đó và cứ dâng lên từng ngày?
Nhiều nhà có con gái, ở nhà con chẳng phải làm gì cả. Muốn gì cần gì đã có bố mẹ lo. Cơm có mẹ nấu, quần áo mẹ cũng giặt cho,…. Đến khi theo con trai người ta về làm dâu, phải chăm lo cơm nước nhà cửa, quần áo, giặt giũ cho con người ta. Vợ chồng nào sống riêng còn đỡ. Nhà nào ở chung với nhà chồng lại càng mệt hơn, cứ phải cơm nước, quần áo, nhà cửa cho nhà người ta. Vừa làm vừa nhìn sắc mặt những người trong gia đình chồng mà sống.
Cho dù bố mẹ chồng có tốt cỡ nào đi chăng nữa thì con dâu cũng sẽ không bao giờ sống một cuộc sống như đang ở nhà mình được, dù gì thì họ cũng chỉ là người ngoài, không cùng chảy chung dòng máu. Bố mẹ dành nửa đời nuôi con gái, nửa đời sau tự phục vụ mình.
Kể như có giỗ chạp nhà chồng mà quên không gửi lễ, không gọi điện hỏi han hay không có mặt xem, chẳng bị cả họ nhà chồng kể tội. Rồi như nhà ở phố mà anh em, chú bác nhà chồng có đến chơi, nhỡ quên không mua vài ba món quà cho họ đem về quê là y như rằng có cái tiếng keo kẹt, bủn xỉn. Trong khi đó, mình chầy chật vay mượn đầm đìa chẳng ai lên tiếng giúp đỡ một câu.
Không ít người lấy chồng rồi kêu than làm dâu khổ. Ở nhà chẳng phải làm gì, sáng ngủ dậy đã có cơm mẹ nấu; quần áo mẹ giặt là sẵn chỉ mỗi việc mặc đi học, đi làm, lúc ốm đau có bố mẹ quan tâm, chăm sóc… Vậy mà theo con trai nhà người ta về làm dâu, sáng phải dậy sớm chăm lo cơm nước nhà cửa, tất bật đi làm, tối về tất bật cơm nước hầu hạ bố mẹ chồng, giặt quần áo phục vụ cả nhà nhà, dọn dẹp nhà cửa từ trên xuống dưới nếu không sẽ bị cho là ở bẩn.
Xã hội này cũng thật kỳ lạ. Người ta cứ bắt con dâu có nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ chồng, vậy sao không ai nghĩ đến việc con rể cũng phải đối xử, báo hiếu lại bố mẹ vợ?
Nhiều trường hợp, chồng chu cấp tiền bạc, sắm sửa cho bố mẹ chồng thì công khai, trong khi vợ muốn lo về cho bố mẹ thì cứ phải lén lút, thậm thụt. Cứ sợ chồng nói vợ chỉ biết quan tâm bố mẹ đẻ, không quan tâm bố mẹ chồng, chỉ lo lấy tiền chồng kiếm được vun vén cho bố mẹ đẻ,….
Ơ hay, chồng kiếm được tiền, vợ cũng kiếm được cơ mà, cho dù người vợ không làm ra tiền, người chồng cũng không có quyền như thế. Vì người vợ đã phải hy sinh mọi thứ để có thể làm một hậu phương vững chắc cho chồng ra ngoài kiếm tiền. Dù không ít thì nhiều, tiền mà người chồng làm ra cũng là một phần mồ hôi, nước mắt của người vợ, của chồng công vợ. Nên nếu vợ có dùng một phần tiền đó cũng là lẽ đương nhiên.
Kể cả khi nói như Xuân Quỳnh - “Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” thì ở chiều ngược lại mẹ cũng đã sinh em để bây giờ cho anh - âu cũng là sòng phẳng. Thế nên, muốn con dâu yêu thương, tận tụy với gia đình chồng thì các anh cũng đừng quên quan tâm bố mẹ vợ như quan tâm bố mẹ mình, và các bậc cha mẹ chồng sẽ cần yêu thương, tử tế với các cô thay vì mặc định rằng mình “có quyền”, rằng mình là “cha mẹ”.
Vợ là bạn đời, là người chia ngọt sẻ bùi, người cùng ta đi hết quãng đường còn lại của cuộc đời. Con gái lấy chồng là để cùng chồng xây dựng tổ ấm, cùng chồng chăm sóc cho bố mẹ cả hai bên khi về già. Người đàn ông nào cũng muốn vợ đối xử tốt với bố mẹ mình, vậy họ không có quyền hoạch họe khi vợ đối xử tốt với bố mẹ họ. Những người đàn ông đã có vợ hãy xem lại, đã bao giờ các anh thật lòng đối xử tốt với bố mẹ vợ trước khi bắt họ đối xử tốt với bố mẹ mình hay chưa?
Nói như thế không có nghĩa là phản pháo tất cả quan niệm về trách nhiệm và nghĩa vụ của nàng dâu. Chỉ mong cho các anh có thể hiểu san sẻ với các chị mà thôi.
Thu Hằng tổng hợp
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/con-dau-co-nghia-vu-cham-soc-bo-me-chong-vay-ai-la-nguoi-hieu-thao-voi-bo-me-ho-a515959.html