Khám phá bản Cát Cát, điểm du lịch lý tưởng của vùng cao Tây Bắc

Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, giữa mây ngàn gió núi, Cát Cát là điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách khi muốn tìm hiểu và khám phá đời sống văn hóa của con người vùng cao Tây Bắc.

Bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là một làng dân tộc Mông nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai) 2 km. Bản Cát Cát hình thành từ thế kỷ 19 giữa thung lũng 4 bề núi dựng.

Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện và chọn bản làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức, đồng thời cho xây dựng tại đây một nhà máy thủy điện. Ở đây có một thác nước đẹp mà theo tiếng Pháp có nghĩa là CatScat. Chính vì vậy, bản cũng lấy tên là Cát Cát (đọc chệch đi của CatScat).


Đường vào bản Cát Cát.

Tới đầu bản Cát Cát, bước theo những bậc đá dẫn xuống thung lũng, cảnh sắc làng quê yên bình hiện ra với những mái nhà chấm phá trên những thửa ruộng bậc thang, điểm xuyết những bụi giang, trúc, vầu xanh tốt... Thi thoảng lại bắt gặp những chiếc cối giã gạo không dùng sức người - nước suối chảy đầy máng một đầu chài thì đầu kia bật lên cao, khi nước tràn ra ngoài, đầu chài kia lại hạ xuống, giã vào cối thóc cho ra những hạt gạo trắng tinh.

 
Du khách ngắm nhìn và chơi đùa với lũ trẻ nhỏ, có thể mang một chút kẹo cho tụi nhỏ.

Điểm nổi bật của bản Cát Cát là đến đây vào bất kỳ tháng nào trong năm, du khách cũng được hòa mình vào những cánh đồng hoa ngút ngàn, trải đều tăm tắp như hoa bất tử, hoa hướng dương, hoa hồng ri, hoa cánh bướm… xen lẫn màu xanh của ruộng bậc thang tạo nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn.


Vào trong bản, du khách sẽ thấy rất nhiều gian hàng bán đồ thủ công, đồ dệt vải với những màu sắc sặc sỡ.

Bản Cát Cát không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Du khách sẽ thực sự thích thú khi cùng hòa mình vào điệu múa dịu dàng của những cô gái Mông xinh đẹp, điệu khèn, tiếng đàn môi say đắm lòng người hay cùng giao lưu nhảy sạp với  những chàng trai, cô gái người Mông.


Những con đường quanh co uốn lượn, xen lẫn những ngọn đồi và ruộng bậc thang tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, trữ tình.

Ngoài trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Đến bản Cát Cát, du khách sẽ được tham quan khu trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

 
Thác Cát Cát trên núi đổ xuống ào ạt, tung bọt trắng xóa, phát ra những âm thanh sinh động, tạo cho du khách cảm giác vô cùng thoải mái và thư thái.

Những sản phẩm tinh xảo, độc đáo được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của con người nơi đây không chỉ đem lại sức sống cho bản làng mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Mông được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ. 


Chụp hình tại vườn hoa khoe đủ sắc màu tại bản Cát Cát.

Giữa thung lũng Mường Hoa, bản Cát Cát giống như một cô gái vùng cao dịu dàng, e ấp nhưng lại mang một vẻ bía ẩn, hoang dã khiến ai cũng muốn khám phá. Với những nét độc đáo riêng có của một bản vùng cao Tây Bắc, Cát Cát lâu nay đã trở thành điểm du lịch ấn tượng, không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến Sa Pa.

 
Ghé thăm một ngôi nhà của người dân tộc thiểu số và khám phá cách người dân ở đây sinh sống.

Nhờ phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, đời sống của đồng bào dân tộc địa phương được cải thiện đáng kể, đem lại cho Cát Cát một diện mạo mới nhưng không làm mất đi những nét đẹp truyền thống từ bao đời nay.

Theo Lao Động

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/kham-pha-ban-cat-cat-diem-du-lich-ly-tuong-cua-vung-cao-tay-bac-a516032.html