Mawsynram, Meghalaya, Ấn Độ
Nằm gần vịnh Bengal và Bangladesh, vị trí địa lý của Mawsynram đem đến những đợt gió mùa dai dẳng. Dãy núi Himalaya sừng sững chặn các đám mây không thoát ra ngoài góp phần tạo nên những cơn mưa lớn. Ở thị trấn này, điều duy nhất không được phép quên là luôn mang theo ô khi rời khỏi nhà. Người dân thường che mình bằng giỏ sậy trong khi làm việc ngoài trời hoặc ra đồng.
Sông Cropp, New Zealand
Không nơi đâu trên đất nước xinh đẹp New Zealand lại nhận được lượng mưa nhiều hơn khu vực sông Cropp. Con sông này dài khoảng 9 km nhưng lại nhận lượng mưa khổng lồ mỗi năm, khoảng 11.500 mm. Giai đoạn mưa kỷ lục được ghi nhận tại đây là năm 1995, khi hơn 1.000 mm nước mưa đổ xuống sông Cropp chỉ trong một tháng.
Núi Emei, Tứ Xuyên, Trung Quốc
Trong 4 núi thiêng của Phật giáo, núi Emei là ngọn cao nhất và cũng nhận được rất nhiều nước mưa mỗi năm. Nơi đây có một hiện tượng được gọi là "biển mây" trong các đợt gió mùa. Vào thời gian này, vùng núi nhận được lượng mưa khoảng 8.150 mm mỗi năm. Giai đoạn mưa lớn nhất là vào tháng 7 và tháng 8 trong mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến 9. Các phật tử hoặc khách tham quan sẽ cảm nhận được sự khác biệt về nhiệt độ giữa đỉnh và chân núi.
Big Bog, Maui, Hawaii
Big Bog là một vùng rất nhiều mưa của Maui và cũng là một khu du lịch lớn của quần đảo Hawaii. Mưa mang đến những cảnh sắc ấn tượng cho cánh rừng nhiệt đới. Big Bog, với những sườn núi dốc nằm bên rìa của Vườn Quốc gia Haleakala, nhận lượng mưa khoảng 10.200 mm mỗi năm. Ngoài việc ngắm những cơn mưa trong khu rừng kỳ vĩ, du khách được khuyến khích đến thăm miệng núi lửa Haleakala, bãi biển Ka’anapali và công viên Bang Wai’anapanapa.
Debundscha, Cameroon
Ngọn núi Cameroon của đất nước Cameroon là đỉnh cao nhất của châu Phi và Debundscha là một trong những ngôi làng nằm ở dưới chân núi này. Khác với cái nóng cháy bỏng ở nhiều nơi trên lục địa đen, người dân ở Debundscha nhận được tới hơn 10.200 mm nước mưa mỗi năm. Đây cũng là một vùng du lịch đáng chú ý với những phong cảnh ngoạn mục và hoang dã tại Vườn quốc gia Mefou ở Yaounde, Chutes de la Lobe ở Kribi, Trung tâm Động vật hoang dã Limbe và núi Cameroon.
Cherrapunji Meghalaya, Ấn Độ
Ngoài Mawsynram, Ấn Độ còn có một vùng mưa nhiều là thị trấn Cherrapunji ở bang Meghalaya. Khu vực này nhận được khoảng 11.700 mm nước mưa mỗi năm. Những cơn mưa ở đây có khi kéo dài đến vài tuần lễ. Thị trấn có nhiều thác nước, đồi núi và những cây cầu được tạo ra từ các rễ cây khổng lồ.
Các cây cầu tự nhiên này có thể chịu được tới 50 người cùng một lúc và là đặc trưng của thị trấn. Khác với các nơi ẩm ướt khác, lượng mưa lớn ở đây không đều. Trong mùa khô, người dân còn bị thiếu nước đến mức phải đi xa để lấy nước sinh hoạt.
Pu'u Kukui, Maui, Hawaii
Pu'u là ngọn cao nhất của núi Kukui nằm trên đảo Maui ở Hawaii, được hình thành từ một ngọn núi lửa bị sụp một phần. Mặc dù đón nhận lượng mưa lớn, khoảng 9.200 mm mỗi năm, khu bảo tồn Pu'u Kukui vẫn là một trong những địa điểm du lịch và thể thao thu hút với cảnh quan hùng vĩ và ngoạn mục.
Núi Waialeale, Kuai, Hawaii
Waialeale là một núi lửa không hoạt động. Tên của núi có nghĩa là "nước tràn" hoặc "nước chảy", gợi nhắc đến lượng mưa khổng lồ ở nơi đây. Trung bình mỗi năm có khoảng 9.700 mm nước mưa, nhưng vào năm 1982, nó đã nhận được một lượng mưa kỷ lục, lên tới hơn 17.300 mm.
Theo Trường Đặng/Vnexpress
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/kham-pha-nhung-dia-diem-du-lich-am-uot-nhat-the-gioi-a516161.html