Hũ phô mai cổ trong hầm mộ hơn 3000 năm tuổi chứa vi khuẩn gây chết người

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hũ phô mai có tuổi đời lâu nhất thế giới trong một hầm mộ hơn 3000 năm ở Ai Cập. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu còn phát hiện bên trong mẫu vật chứa vi khuẩn gây chết người.

Hũ phô mai lâu đời nhất thế giới đã được tìm thấy trong ngôi mộ cổ Ai Cập 3200 năm tuổi. Tuy nhiên, mẫu vật cổ đại này đang chứa vi khuẩn gây chết người có tên Brucella Melitensis. Đó là báo cáo mới nhất vừa được các nhà khảo cổ nước này công bố.


Hũ phô mai cổ trong hầm mộ 3200 năm tuổi ở Ai Cập

Hũ phô mai cổ được chôn cất trong lăng mộ Ptahmes, Ai Cập. Người này vốn là thị trưởng của Memphis, từng thống lĩnh quân đội Ai Cập cổ đại vào thế kỷ 13 trước công nguyên. Trước đó, lăng mộ Ptahmes từng được khai quật nhiều đợt, lần đầu vào năm 1885.

Trong lần khai quật gần đây, nhóm khảo cổ tìm thấy một lọ gốm bọc vải, bên trong chứa khối trắng đặc, nghi ngờ là phô mai. Mẫu vật này đặt ở hầm mộ kín, vùi sâu dưới lớp cát của sa mạc Sahara.

 
Mẫu vật có chứa loại vi khuẩn gây chết người

Sau khi hòa tan phần mẫu vật, các nhà nghiên cứu cho biết đó là sản phẩm sữa làm từ sữa bò, cừu hoặc dê. Cũng từ việc phân tích mẫu vật cho thấy nó chứa vi khuẩn Brucella melitensis. Đây là loại vi khuẩn gây ra bệnh brucellosis. Căn bệnh này có thể gây chết người khi lây lan từ động vật sang người. 

Theo Quốc Việt/Dân Trí

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hu-pho-mai-co-trong-ham-mo-hon-3000-nam-tuoi-chua-vi-khuan-gay-chet-nguoi-a517170.html