Chùa Bổ Đà
Được mệnh danh là ngôi chùa độc đáo và cổ kính vùng kinh Bắc, chùa Bổ Đà hay chùa Bổ hoặc Quan Âm tự nằm tại bờ Bắc sông Cầu, thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ 18), đây là một trong những nơi còn lưu giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng.
Đặc biệt chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm hay còn được gọi là chùa Đức La, là nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.
Tương truyền rằng, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ thời nhà Lý, sau đó được tu bổ, mở rộng vào thời nhà Trần. Nơi đây đã từng là nơi tu hành của ba vị Trúc Lâm tam tổ ( đã từng làm trụ trì và mở trường thuyết pháp tại chùa Vĩnh Nghiêm xưa).
Vì vậy mà đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
Vào năm 1964, ngôi chùa đã được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia.
Chùa Dâu
Là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, chùa Dâu hay còn gọi là Diên Ứng, Cổ Châu hay Pháp Vân, thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo một số tài liệu sử sách còn ghi, chùa Dâu được xây dựng vào năm 187 và hoàn thành vào năm 226.
Chùa Dâu thờ Tứ pháp gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Có thể nói, ngôi chùa này mang một hệ thống thờ tự độc đáo và đặc trưng của dòng thiền xứ Kinh Bắc cổ xưa.
Chùa Một Cột
Nhắc đến chùa Một Cột ta sẽ nhớ ngay đến một ngôi chùa đẹp nhất, độc nhất ở Việt Nam hay cũng chính là biểu tượng của Hà Nội.
Chùa Một Cột còn có nhiều tên gọi khác như là Liên Hoa đài, Diên Hựu hay chùa Mật. Nổi bật của ngôi chùa này chính là kiến trúc độc đáo như một bông hoa sen từ mặt nước vươn lên. Chùa Một Cột được xây dựng vào năm 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông (theo Theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Vào năm 2006, chùa Một Cột đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là chùa có kiến trúc độc đáo nhất.
Chùa Thầy
Nằm ngay dưới chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Chùa Thầy cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam. Ngôi chùa này được xây dựng từ thời nhà Đinh, nơi đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Hàng năm, lễ hội chùa Thầy được tổ chức vào ngày 5/3 âm lịch và kéo dài 3 ngày.
Theo Minh Phương/Petrotime
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/kham-pha-nhung-ngoi-chua-co-co-kien-truc-dep-nhat-mien-bac-a518555.html