Bị bố mẹ hắt hủi
Theo thống kê không đầy đủ của Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện có khoảng 0,5% dân số là người chuyển giới, dao động trong khoảng 300.000 - 500.000 người. Không chỉ bị bắt nạt tại trường học, bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở nơi công cộng còn bị gia đình hắt hủi, bạo lực.
H.A.T ở Hải Phòng hiện là cô giáo dạy trẻ tự kỷ. Ảnh: Thùy Anh
Nguyễn Vũ Hà Anh năm nay 21 tuổi (quê Bắc Giang, sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật quân đội) đã trải qua những ngày tháng “bức bối” khi phải sống trong hình hài một người con trai. Tên khai sinh của Hà Anh là Nguyễn Duy Long, nhà có hai anh em trai, nhưng Long từ nhỏ đã thấy mình khác với bạn bè cùng giới. Sau khi đỗ ĐH, Long chuyển ra Thủ đô sinh sống, cô thay tên gọi thành Nguyễn Vũ Hà Anh, thay đổi ngoại hình, để tóc dài và trang điểm như con gái. Tuy nhiên, cô sợ bố mẹ mắng chửi nên suốt một năm không dám về nhà. Đến Tết năm 2016, Hà Anh gọi điện về cho mẹ, thú nhận sự thay đổi và xin phép bố mẹ được về quê ăn tết. Nhưng vừa gặp, mẹ của Hà Anh bị sốc và la mắng cô...
Hà Anh kể, vừa về nhà, mẹ cô đã bắt cô đi cắt tóc, bắt bỏ hết đồ trang điểm, quần áo của con gái, bắt cô ở trong phòng không cho đi đâu vì sợ xấu hổ với họ hàng, chòm xóm. Bố Hà Anh là người luôn đặt nặng vấn đề con trai phải lấy vợ sinh con nối dõi nên bắt cô thay đổi lại, nếu không sẽ không cho đi học. “Dù vậy em vẫn kiên định theo mong muốn của mình, em chỉ biết khóc và nói với bố mẹ không hiểu mình. Bây giờ thì gia đình cũng bắt đầu chấp nhận hình hài mới của em” - Hà Anh chia sẻ.
Chật vật tìm tình yêu đích thực
Phương Nghi là đàn ông và đã quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm hoóc môn chuyển giới - Ảnh Soha
Lê Thành Đạt, 18 tuổi, sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh, là một người chuyển giới từ nam sang nữ. Đạt đã phẫu thuật thẩm mỹ, nâng ngực, đều đặn đi tiêm hoóc môn 2 tuần một lần. Hiện tại, cô lấy tên là Phương Nghi.
Họ hàng, làng xóm và người quen cũng bàn tán sau lưng Nghi. "Thằng con ông Chín tự nhiên nó làm con gái kìa", đó là câu Nghi nghe được. Nghi phản kháng ngay. Sau nhiều lần, họ cũng chán, buông tha cho một cậu bé 18 tuổi luôn muốn được thành con gái.
Nghi nghỉ học từ lớp 7, Nghi bảo chỉ cần nghĩ đến việc đến trường là đau đầu rồi kiếm việc làm từ năm 13 tuổi. Sau 5 năm, Nghi đã trải qua 10 công việc khác nhau.
"Em từng bán quần áo, làm công nhân, bán hàng online, phục vụ quán ăn... Đi làm em chẳng bao giờ để lộ là "bóng’ hay gì hết nên không gặp điều tiếng mấy. Nhưng đi chơi thì em "bung lụa" lắm.
Bề ngoài em không khác nữ nên chỉ lúc nào cất tiếng nói, người ta mới nhận ra chuyển giới rồi nhìn chằm chằm. Em đứng gọi đồ ăn thì từ phụ nữ, đàn ông, người lớn, trẻ em nhìn từ đầu đến chân, thắc mắc. Lúc đầu em bực nhưng người ta có nói gì đâu, lâu ngày quen thôi.
Có lần em đi làm khuya về, có hai ông chạy xe kề kề rồi ăn nói mất dạy. Em chửi lên thì họ quay qua bảo: "Ôi bê đê". Thật khốn nạn quá!"
Cô chia sẻ luôn gặp chuyện buồn trong chuyện tình cảm. Từ bé đến lớn, Nghi toàn yêu đơn phương người khác. "Em nghĩ nếu trở thành phụ nữ thật sự thì sẽ có người đàn ông quan tâm, chăm sóc, yêu thương, ai dè kiếm hoài không ra".
Nghi cảm giác, mỗi người đàn ông đến bên cô đều nhằm mục đích lợi dụng tình cảm. Cô vẫn chưa gặp được một người thật lòng yêu mình, chịu thấu hiểu, yêu thương.
"Hồi còn ở hình hài đàn ông em yêu hai người nhưng khi biết ý định chuyển giới, họ đều chia tay. Họ là gay nên chỉ yêu nam, không có cảm xúc với phụ nữ.
Sau đó, chuyển giới dần em yêu một anh trai "thẳng" nhưng cũng chỉ được thời gian thì tan vỡ.
Hồi là nam em cũng có nhu cầu tình dục, có nghĩ ngợi nhưng tiêm hoóc môn vào thì khác, không ham muốn gì.
Nhưng những người yêu đều mang tới cho em cảm giác yêu vì tình dục. Họ đòi hỏi rồi trách móc. Em dần dần chán nản. Chỉ cần cảm thấy người ta yêu mình để lợi dụng, để "lên giường" chứ không do tình cảm đơn thuần. Em buông dần. Có buồn, có đau đớn nhưng em không chấp nhận yêu chỉ vì tình dục".
Sức khỏe yếu đi sau khi phẫu thuật chuyển giới
Mia Nguyễn đang có cuộc sống hạnh phúc sau khi chuyển giới - Ảnh: Dân Trí
Chia sẻ thêm về sức khoẻ sau chuyển giới, Mia Nguyễn (36 tuổi, tên thật là Nguyễn Công Đức, Bến Tre) - một trong những người chuyển giới thành đạt nhất hiện nay cho biết, dù không ảnh hưởng đến tuổi thọ nhưng sức khoẻ của cô có yếu đi sau các cuộc phẫu thuật.
“Việc phải sử dụng hormone điều tiết nội tiết hàng ngày để duy trì sự nữ tính cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như loãng máu, tăng huyết áp, tâm lý nhạy cảm hơn, dễ mệt mỏi”, Mia chia sẻ.
Theo Mia, chi phí mua thuốc uống nội tiết khoảng 2-3,5 triệu đồng/tháng, chi phí tiêm từ 2,5-3 triệu đồng/mũi. Bản thân cô đã phẫu thuật và duy trì dùng thuốc suốt 12 năm qua.
10 người chuyển giới chết vì tự tiêm hormone
Hoa hậu chuyển giới Hương Giang cùng các bạn chuyển giới khởi động chiến dịch thu thập chữ ký - Ảnh: Dân trí
Bà Định Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có con số chính xác về số lượng người chuyển giới tại Việt Nam cũng như trên thế giới, nhưng căn cứ theo các nghiên cứu cho thấy, người chuyển giới chiếm 0,3-0,5%, tương đương khoảng 300.000-500.000 người tại nước ta.
Tuy nhiên chỉ có số ít dám sống thực với giới tính của mình, còn lại phần đông không dám công khai, sống khắc nghiệt với hàng loạt rào cản như sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, không kiếm được việc việc làm cũng như sợ các rủi ro về pháp lý, sức khoẻ.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có 27% người chuyển giới đã ra nước ngoài thực hiện dịch vụ chuyển giới với mức giá gấp 8-10 lần trong nước, 22,4% tìm kiếm dịch vụ tư vấn và khám trước sử dụng hormone tại cơ sở y tế tư nhân trong nước và chỉ có 13,4% đến các bệnh viện công.
Đáng lưu ý, để có được ngoại hình mong muốn, không ít người đã tự ý tiêm hormone trôi nổi ngoài thị trường hoặc nâng ngực tại các cơ sở không đảm bảo. Hiện đã có 8-10 ca tử vong.
Luật cứu rỗi
Anh Lương Thế Huy, Quản lý Chương trình LGBT (Cộng đồng những người đồng tính, song tính, chuyển giới) thuộc Viện Nghiên cứu Xã hội và Môi trường Việt Nam (ISEE) cho biết, Viện ISEE đã vận động quyền cho người chuyển giới diễn ra từ cuối năm 2013.
Đối tượng nghiên cứu của Viện chủ yếu nhằm tới là cộng đồng LGBT và dân tộc thiểu số phân biệt đối xử. Đây là một tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, để luật được thực thi, Viện ISEE và cộng đồng LGBT sẽ tiếp tục đề đạt lên các cấp để những người chuyển giới sớm được hưởng quyền sống bình đẳng với giới tính của mình.
Anh Lương Thế Huy cho rằng, sự kiện Quốc hội thông qua luật chuyển đổi giới tính lần này có ý nghĩa vô cùng nhân văn, khẳng định người chuyển giới được sống thật với giới tính của mình.
Theo đó, người chuyển giới được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn; Được thay đổi giới tính trên chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân; Được pháp luật thừa nhận và được thực hiện đầy đủ quyền công dân; Giảm được vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người chuyển giới; Được thực hiện phẫu thuật chuyển giới, chăm sóc y tế kịp thời tại các cơ sở y tế trong nước; Hạn chế người chuyển giới đi nước ngoài, giảm chi phí và rủi ro do phẫu thuật chui.
Người chuyển giới là trong tư tưởng luôn nghĩ họ là người có giới tính khác với giới tính mình đang có (nam nghĩ mình là nữ và nữ nghĩ mình là nam) và mong muốn họ được phẫu thuật chuyển giới tính. Không không cứ phải phẫu thuật mỗi coi người đó là chuyển đổi giới tính mà là sự chuyển đổi giới tính trong tư tưởng của người đó.
Trong trường hợp người chuyển giới mà thực hiện phẫu thuật theo giới tính mình mong muốn gọi là người chuyển giới đã phẫu thuật.
Hi vọng cho người chuyển giới
Theo bà Thủy, bộ luật Dân sự 2015 đã cho phép chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật, cả nước hiện đã có 3 cơ sở y tế được Bộ cấp phép thực hiện xác định lại giới tính gồm: BV Nhi TƯ, BV Việt Đức, và BV Nhi đồng 1 TP.HCM.
Tuy nhiên đến nay, dự thảo luật Chuyển đổi giới tính vẫn đang được xây dựng, dự kiến phải đến 2019-2020 mới trình Chính phủ, do đó, dù nhiều người đã phẫu thuật chuyển giới thành công nhưng chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.
Bánh (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/goc-khuat-phia-sau-noi-dau-cua-nguoi-dong-gioi-chuyen-gioi-a520362.html