Lễ hội dành cho người chết ở các nước trên thế giới khác nhau thế nào?

Con người cho rằng thế giới tâm linh vẫn luôn tồn tại. Vì vậy, ờ hầu hết các nước trên thế giới đều dành một ngày trong năm tổ chức lễ hội ma quỷ giống như Halloween của Mỹ.

Con người cho rằng thế giới tâm linh vẫn luôn tồn tại. Vì vậy, ờ hầu hết các nước trên thế giới đều dành một ngày trong năm tổ chức lễ hội ma quỷ giống như lễ hội Halloween của Mỹ. Cùng khám phá xem lễ hội đặc biệt này ở các quốc gia khác nhau như thế nào nhé!
 

Lễ hội Halloween (Mỹ): Halloween bắt đầu phổ biến rộng rãi ở Mỹ kể từ thế kỷ 19. Lễ hội có nguồn gốc từ một nhóm người Scotland và Ireland nhập cư vào Mỹ. Halloween ở Mỹ được tổ chức chính thức vào ngày 31/10 hàng năm. Vào ngày này, mọi người thường hóa trang thành các nhân vật ma quái, trang trí nhà cửa theo phong cách kinh dị, rùng rợn. Trẻ em sẽ đến nhà hàng xóm xin kẹo, nếu không được chủ nhà cho, chúng sẽ quậy phá, chọc ghẹo om sòm trước cửa nhà. Ảnh: Monkey Business.



Lễ hội Dia de los Muertos(Mexico): Mexico và Tây Ban Nha nổi tiếng với lễ hội Dia de los Muertos hay còn gọi là Ngày của sự chết chóc. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 1, 2/11 hàng năm. Người dân hóa trang thành tổ tiên của mình và lập bàn thờ có tên Ofrendas để những người thân đã khuất có thể về đoàn tụ với gia đình vào ngày này. Ảnh: Christopher Jackson.



Lễ hội ma đói (Trung Quốc): Lễ hội ma đói phổ biến khắp Hong Kong và các tỉnh khác của Trung Quốc, được tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm. Người dân thường tham gia tổ chức các lễ rước trên đường phố, cúng bái thần linh và hát hí mua vui cho những người đã khuất. Ảnh: Anthony Twan.



Lễ hội Chuseok (Hàn Quốc): Người Hàn Quốc tổ chức lễ hội này vào vụ mùa thu hoạch. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, ngày lễ chính là 15/8 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, mọi người trong gia đình sẽ trở về quê hương, cùng nhau tổ chức lễ tạ ơn và ăn uống quây quần với ý nghĩa nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Ảnh: Namwan030.



Lễ hội Obon (Nhật Bản): Obon hay Bon (ngày của người chết) là một phong tục truyền thống của người Nhật theo Phật giáo. Người Nhật tổ chức lễ hội này vào tháng 8 dương lịch để tưởng nhớ những người thân đã qua đời. Vào ngày này, người dân xuống đường thực hiện những nghi lễ múa truyền thống, làm lễ Toro Nagashi (thả thuyền giấy)... Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo các con sông như biểu tượng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ. Ảnh: Silviasasaki.



Halloween Kawasaki (Nhật Bản): Lễ hội hóa trang này cũng diễn ra ở Nhật Bản. Khác với Obon, Halloween Kawasaki có nhiều điểm tương đồng với lễ hội Halloween diễn ra ở Mỹ. Vào ngày cuối cùng của tháng 10, mọi người hóa trang theo phong cách ma quái và đi diễu hành khắp đường phố ở Kawasaki, vùng ngoại ô Tokyo. Ảnh: Toshifumi Kitamamura.



Lễ hội Gaijatra (Nepal): Gaijatra có tên gọi khác là lễ hội bò, diễn ra từ tháng 8-9 hàng năm tại Nepal. Lễ hội này nhằm tưởng nhớ những người thân đã qua đời trong năm. Các gia đình đã mất người thân sẽ tham gia đám rước có tên Kathmandu, được dẫn đầu bởi một chú bò. Người dân nước này tin rằng con bò là phương tiện di chuyển của người đã khuất lên thiên đàng. Ảnh: Frances Allen.



Pchum chen (Campuchia): Pchum Ben là một lễ hội Phật giáo kéo dài 15 ngày trong tháng 10 nhằm tưởng nhớ về tổ tiên theo truyền thống của người Campuchia. Vào ngày này, mọi người thường thắp nến, mở tiệc với những người thân trong gia đình và tham gia vào các cuộc đua trâu... Ảnh: Sreylyye.

Nguồn: ZingNews/Theo Business Insider, Mental Floss

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/le-hoi-danh-cho-nguoi-chet-o-cac-nuoc-tren-the-gioi-khac-nhau-nhu-the-nao-a521541.html