Trong và sau thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, chúng ta cần phải kiêng kị những điều gì để bản thân và các thành viên trong gia đình gặp nhiều may mắn không? Hãy lưu ý một số điều kiêng kị để đón Tết vui.
Người có tang không nên đi chúc tết
Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của mọi nhà, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hòa với niềm vui chung. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày tết. Nhà nào có đại tang thì nên kiêng đi chúc tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc tết và an ủi gia đình bất hạnh, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Cường.
Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất ngay trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày đầu năm. Trường hợp chết đúng ngày mồng 1 tết thì chưa phát tang vội, nhưng phải chuẩn bị đủ thứ để sáng mồng 2 làm lễ phát tang.
Hạn chế làm rơi vỡ đồ dùng gia đình
Gương, chén, dĩa, ly, tách… là những vật dụng rất dễ vỡ, dân gian vẫn luôn quan niệm rằng, nếu làm rơi vỡ đồ vào năm mới sẽ không đem lại điềm cát lành. Bởi những từ như “vỡ, bể” là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình.
Kiêng vay mượn hoặc trả nợ đầu năm
Người xưa dạy, không nên vay hoặc cho tiền bạc, đồ đạc vào những ngày đầu năm mới vì sẽ khiến gia đình rơi vào cảnh túng thiếu cả năm. Điều kiêng kị này xuất phát từ quan niệm ngày đầu xuân con người mở cửa để đón lộc vào nhà, còn nếu cho mượn hoặc trả giống như "dâng" tài lộc vào tay người khác.
Tuy nhiên, điều kiêng kị này còn tùy thuộc vào quan niệm và tín ngưỡng riêng của từng người, từng gia đình. Việc hiểu về các tập tục ngày tết sẽ giúp mỗi người biết cách cư xử sao cho tế nhị, tránh gây hiểu lầm, khó xử trong các mối quan hệ.
Không nên nói đến chuyện xui xẻo trong đầu năm mới
Kiêng kị đêm giao thừa đặc biệt không nói những chuyện như ốm đau, chết chóc, kiện tụng, thất bại… vì mang lại điềm xấu, có thể khiến năm sau gia đình mình gặp nhiều xui xẻo.
Mọi người cũng kiêng cãi cọ, mâu thuẫn vào dịp giao thừa. “Một điều nhịn là chín điều lành”, bạn nên kiềm chế cảm xúc của bản thân, tránh đánh mất hòa khí của gia đình.
Thay vào đó chúng ta nên nói những câu chuyện được các thành viên trong gia đình nói với nhau cũng nên là những câu chuyện mang ý nghĩa tích cực như thăng quan tiến chức, đỗ đạt, sức khỏe dồi dào.
Sau khi thời khắc thiêng liêng đánh dấu sự bắt đầu của năm mới qua đi, bạn vẫn cần phải kiêng kị nói chuyện lớn tiếng, cãi vã, mâu thuẫn với nhau. Mọi người nên đối xử với nhau với thái độ vui vẻ, ân cần thì năm sau gia đình mới yên ấm, hài hòa được.
Tránh tạo ra những tiếng động lớn hoặc làm rơi vỡ đồ trong khoảng thời gian này, bởi theo quan niệm từ xưa, vỡ đồ đại diện cho những việc xui xẻo, bất hạnh sẽ xảy đến với cả gia đình trong năm mới, cả nhà đặc biệt là người làm vỡ sẽ bị “dông” cả năm.
Những kiêng kị trước và trong lúc cúng giao thừa
Một trong những kiêng kị đêm giao thừa khác là trong quá trình làm lễ cúng, các thành viên phải ăn nói nhỏ nhẹ, không cười đùa to tiếng, gọi to tên lẫn nhau vì như vậy sẽ dẫn ma quỷ vào nhà, khiến các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ con, người già và những người có sức khỏe yếu sang năm mới dễ ốm đau, bệnh tật.
Kiêng quét nhà đầu năm mới
Kiêng kị đêm giao thừa, cần tránh quét nhà ngay sau đó, vì như vậy cũng có nghĩa là bạn quét đi những điều may mắn ra khỏi nhà.
Trong năm mới tránh mặc những đồ có màu đen và trắng, vì hai màu này đại diện cho sự tang tóc, không may. Mọi người nên lựa chọn những bộ quần áo có màu sắc tươi sáng, có thể hợp với mệnh của mình để sang năm mới gặp nhiều điều may mắn. Chọn màu sắc hợp mệnh theo năm sinh, tiền bạc dồn dập kéo tới.
Kiêng xin lửa ngày mồng 1
Ngày mồng 1 tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình. Theo quan niệm, lửa có màu đỏ, màu sắc của sự may mắn. Nếu cho người khác lửa nghĩa là ta đang cho đi cái đỏ, cái may mắn của chính mình.
Ngoài ra, nhiều người cũng kiêng cho nước đầu năm vì nước vốn được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc: “Tiền vào như nước”. Nếu cho đi thì sẽ khiến tài chính trong năm mới gặp xui xẻo, làm ăn thất bại, tiền mất tật mang.
Không sử dụng kim chỉ đầu năm
Việc may vá trong năm mới được cho là khiến gia chủ phải vất vả, khổ sở, cả năm phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau, “giật gấu vá vai”. Nhiều người còn có quan niệm rằng, nếu phụ nữ có thai đụng tới kim chỉ trong ngày mồng 1 tết, sau này sinh con thì mắt sẽ dẹt như cây kim vậy.
Trúc Chi t/h
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/muon-ca-nam-may-man-ngay-tet-ban-can-tranh-nhung-dieu-nay-a526483.html