Niệm Phật có ích gì nếu không thành tâm

Tâm thanh tịnh là tâm không vọng tưởng, quả đúng là như vậy. Thế nhưng nếu tâm hết vọng tưởng thì chúng ta còn niệm Phật để làm gì? Ở đây chúng ta phải biết rằng, đức Phật khi nói đến “tâm thanh tịnh”

Có một gia đình hai vợ chồng trẻ, chồng say mê đọc sách còn vợ hướng Phật nên ngày nào cũng chuyên chú tụng kinh niệm Phật.

Một hôm, người chồng để ý thấy người vợ ngồi trong Phật đường không ngừng niệm: “Nam mô a di đà phật! Nam mô a di đà phật!”. Người vợ cứ chăm chú niệm câu này mãi, niệm đi niệm lại trong một khoảng thời gian rất lâu. Người chồng tinh nghịch muốn đùa vui vợ mình.

Anh này sang phòng bên cạnh chỗ vợ đang niệm Phật rồi gọi tên vợ. Người vợ nghe thấy tiếng chồng gọi mình liền ngừng niệm và quay đầu sang phía người chồng hỏi: “Có việc gì vậy?”

Người chồng cười cười rồi nói: “Không có gì, không có gì!”

Người vợ lại tiếp tục quay lại vừa gõ mõ vừa niệm. Một lát sau, người chồng lại gọi tên người vợ. Người vợ lại nhịn không được liền quay đầu ra hỏi chồng: “Rốt cuộc là anh có chuyện gì mà cứ gọi như vậy?”.

Người chồng lại cười cười rồi nói: “Không có gì, không có gì cả”.

Người vợ lại tiếp tục niệm Phật. Nhưng chẳng được bao lâu người chồng lại gọi tên người vợ. Người vợ lúc này có vẻ rất bực tức quay sang nói với người chồng:

“Anh rốt cuộc là có chuyện gì mà cứ gọi mãi như thế?

Anh cứ gọi như thế khiến em không thể tập trung tụng kinh niệm Phật được”.

Người chồng lúc này mới đứng lên đi đến bên người vợ và nói: “Vợ ơi! Anh mới gọi tên em có ba lần mà em đã thấy mệt mỏi và bực tức rồi. Thế mà, em ngày nào cũng niệm A di đà phật trong một thời gian lâu như vậy, không biết liệu ngài có thấy phiền toái không?”.

Bài học cuộc sống rút ra từ câu chuyện:

Niệm Phật A Di Đà là sự bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với chư vị Phật giáo đồng thời cũng là phương pháp để giữ tâm bình an, lắng đọng khi đối diện với Phật. Nhưng không phải ai trong lúc niệm Phật cũng hoàn toàn chú tâm mà thường để cho tâm tạp niệm quấy nhiễu mình.

Tụng kinh thường ngày cũng tốt nhưng quan trọng hơn và phải tu tâm trong cuộc sống hành ngày. Trong lòng chúng ta vẫn còn nguyên sự tham, sân, si thì chúng ta cũng chỉ mới tu có một nửa bằng lời nói thôi.

Thay vì chỉ ngồi tụng kinh niệm Phật hãy ra ngoài và làm việc tốt, giúp đỡ nhiều người, kiểm soát tốt hơn cảm xúc của mình, bạn sẽ cảm thấy rõ sự khác biệt khi chính mình thay đổi.

Có người vì thất tình mà lên chùa đi tu hay chán cuộc sống hàng ngày mà đi tu thì đó là biểu hiện của sự trốn tránh mà thôi. Tu phải xuất phát từ tâm, mong muốn tâm thanh tịnh, chứ không phải vì chút khó khăn của người đời mà tức giận, tỏ ra tiêu cực thì đi tới đâu cũng không thể giải thoát được phiền não trong lòng mình.

Hiện nay chúng ta dùng câu Phật hiệu, với lòng tin và chí nguyện sâu dày, chúng ta tha thiết chuyên cần niệm Phật, nhằm loại bỏ sự cấu bẩn trong tâm để dần dần chúng ta trở về bản tánh thiện lành và chân như Phật tánh của mình. Chúng ta niệm Phật để cái vốn thiện trỗi dậy và thăng hoa, để Phật tánh vốn thường hằng ngày một thêm sáng tỏ. Dĩ nhiên khi đó, tâm vọng tưởng điên đảo sẽ không còn đất sống và theo dòng thời gian nó cũng sẽ tan dần theo từng câu niệm Phật của chúng ta.

Trúc Chi t/h

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/niem-phat-co-ich-gi-neu-khong-thanh-tam--a526629.html