Hơn 3.000 đồng hồ ‘hàng hiệu’ bị bắt giữ: 80% trên thị trường là hàng ‘fake’

Rất nhiều cửa hàng đồng hồ lớn nhỏ trên thị trường Việt Nam đang bày bán đồng hồ giả (fake), thậm chí, theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam có tới 80% đồng hồ được bán là hàng giả, hàng nhái.

Tràn lan đồng hồ hàng hiệu giá “bèo”


Cách đây vài ngày, Tổng cục Quản lý thị trường đã thu giữ hơn 3.200 đồng hồ tại Nha Trang (Khánh Hoà). Các sản phẩm bị thu giữ đều không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hầu hết là hàng Trung Quốc giả các thương hiệu nổi tiếng như Omega, Rolex, Cartier, Michael Kors, Longines… Nhiều loại được bán với mức giá khoảng 1 - 1,8 triệu đồng.


Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra và thu giữ hơn 3.000 đồng hồ mang nhãn hiệu nổi tiếng không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại Nha Trang (Khánh Hòa).


Sự việc trên đang cho thấy một thị trường ngầm bày bán các loại đồng hồ giả, nhái thương hiệu nổi tiếng. Quả thực, chỉ cần một cú nhấp chuột người dùng có thể tìm thấy vô số sản phẩm đồng hồ mang thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ như bèo. Nhiều trang web thậm chí còn công khai quảng cáo mình bán hàng fake hoặc super fake với giá bán hấp dẫn. Một trang mạng rao bán đồng hồ Rolex xà cừ La Mã hàng fake với mức giá 550 nghìn đồng. Hay, nhiều nhãn hiệu đồng hồ Armani, Guess, Movado, Tissot… có giá chỉ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Điều đáng nói, đồng hồ giả, nhái đang được không ít người tiêu dùng lựa chọn như một sự nghiễm nhiên. Chị Hà - phường Giảng Võ (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) chia sẻ, chị rất thích đeo đồng hồ. Trong hộp đồ của chị có 5 chiếc đồng hồ với đủ kiểu dáng, mẫu mã, nhưng tất cả là hàng fake.

Theo chị Hà, chị thích mua nhiều loại để dễ phối đồ, mỗi chiếc có kiểu dáng khác nhau phù hợp với trang phục. Vì không có nhiều tiền nên chị mua đồng hồ fake dùng cho rẻ, biết đồ rẻ sẽ không bền nhưng vì sở thích sưu tầm đồng hồ chỉ như món phụ kiện thời trang nên chị chấp nhận sử dụng hàng fake.

Khác với chị Hà, anh Long (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có nhu cầu mua một chiếc đồng hồ tốt để đeo. Biết thị trường trà trộn nhiều đồng hồ giả, anh đã nhờ người có hiểu biết về đồng hồ giới thiệu một cửa hàng tương đối lớn. Mừng vì mua được sản phẩm rẻ 40% so với giá gốc, nhân viên cửa hàng cũng giới thiệu đang có chương trình khuyến mãi, anh đã chi gần 4 triệu đồng để mua chiếc đồng hồ thương hiệu Tissot. Tuy nhiên, hơn một năm sau, khi đồng hồ hỏng, đem ra tiệm sửa anh mới biết mình đang sở hữu một sản phẩm giả.

Thật – giả khó lường


Tìm hiểu về thị trường đồng hồ tại Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Đặng Văn Trường, chuyên gia thẩm định và sửa chữa đồng hồ. “Để người tiêu dùng Việt Nam có thể phân biệt được chiếc đồng hồ thật hay giả là cả một vấn đề mà chính các chuyên gia nhiều khi cũng toát mồ hôi hột. Bởi trình độ làm giả đồng hồ đã đạt đến mức quá tinh vi”, anh Trường nhận định.


Không chỉ ở các cửa hàng, đồng hồ 'fake' còn được tiêu thụ mạnh trên các sàn thương mại điện tử.


Theo anh Trường, đồng hồ giả có nhiều loại, fake loại 1, loại 2... tuỳ vào đối tượng người mua, các nhà sản xuất có cách lách luật nhằm hợp thức hoá thương hiệu. Ví dụ, họ có thể bỏ tiền ra mua lại thương hiệu đồng hồ Stuhrling nhưng lại gian xảo bằng cách thay máy chính hãng bằng máy cơ Trung Quốc nhưng vẫn quảng cáo là hàng Thuỵ Sĩ làm người dùng hiểu sai về xuất xứ, nguồn gốc. Đây cũng là cách đánh lừa người tiêu dùng theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, bởi nhiều người chỉ chạy theo thương hiệu chứ không hề để ý nguồn gốc, xuất xứ của món hàng mình đang dùng.

Anh Trường chia sẻ thêm, bây giờ, máy Trung Quốc rất rẻ nhưng chất lượng thì kém nhưng vẫn được bán với giá rất cao lên tới chục triệu/ chiếc, đây là một món hời rất lớn đối với các nhà buôn. Những loại đồng hồ càng được sử dụng nhiều như Casio, Tissot, Rolex… thì càng bị làm giả nhiều.

Như vậy, dù vô tình hay cố ý, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang hàng ngày tiêu thụ một lượng rất lớn đồng hồ nhái, giả được bán tràn lan trên thị trường. Theo các chuyên gia, để tránh dùng phải đồng hồ giả, người mua nên lưu ý chỉ mua đồng hồ tại các đại lý ủy quyền chính hãng, nên thận trọng các loại đồng hồ xách tay, có giá bán rẻ hơn từ 20 - 30%, thậm chí lên tới 80% so với giá các đại lý chính thức.

Mặt khác, để tránh mua phải hàng giả, người tiêu dùng nên yêu cầu cửa hàng giao đầy đủ phụ kiện đi kèm, thẻ hoặc sổ bảo hành, tem chứng nhận độc quyền của nhà phân phối.

Theo vietq

 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hon-3000-dong-ho-hang-hieu-bi-bat-giu-80-tren-thi-truong-la-hang-fake-a529326.html