6 giờ sáng 14-7, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi, phổ điểm thi THPT quốc gia từng môn, phổ điểm các khối xét tuyển đại học. Trước đó, từ 0 giờ ngày 14-7, một số sở GD-ĐT đã công bố điểm thi trên trang web của sở để thí sinh tiện tra cứu.
Cùng với công bố của bộ, các sở, các báo điện tử cũng thông tin, nên việc tra cứu điểm thi của thí sinh tiện lợi, nhanh chóng. Việc Bộ GD-ĐT công bố ngay phổ điểm từng môn, phổ điểm các khối xét tuyển đại học cũng giúp thí sinh có cái nhìn tồng thể về kết quả thi 2019.
Tiếng Anh, Lịch sử: Vẫn là 2 môn có điểm thi thấp nhất
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia năm 2019 tăng hơn năm trước. Hầu hết các môn có mức điểm trung bình ở ngưỡng 5 - 6. Riêng 3 môn Lịch sử, Tiếng Anh, Sinh học, điểm trung bình dưới 5.
Cụ thể, môn Toán có điểm trung bình là 5,64 điểm và có 12 bài thi đạt điểm 10; môn Ngữ văn có điểm trung bình là 5,49 điểm và không có điểm 10 nào; môn Vật lý có điểm trung bình là 5,57 và có 2 bài thi đạt điểm 10; môn Hóa học có điểm trung bình là 5,35 và có 12 bài đạt điểm 10.
Các em học sinh ở một trường THPT của TPHCM phấn khởi với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Môn Sinh học có điểm trung bình là 4,68 điểm và có 39 bài thi đạt điểm 10; môn Lịch sử có điểm trung bình là 4,3 và có 80 bài thi đạt điểm 10; môn Địa lý có điểm trung bình là 6 và có 42 bài thi đạt điểm 10; môn Giáo dục công dân có điểm trung bình là 7,37 và có 784 bài đạt điểm 10; môn tiếng Anh có điểm trung bình là 4,36 và có 299 bài đạt điểm 10.
Hơn 3.100 thí sinh bị điểm liệt trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhiều nhất là Ngữ văn (1.265), kế đó là Tiếng Anh (630). Năm ngoái, tổng số điểm liệt hơn 8.660, nhiều nhất là Tiếng Anh (hơn 2.100), đứng sau là Toán (1.500). Có thể nói, môn Ngữ văn gây bất ngờ vì luôn được cho là khó bị điểm liệt, nhưng năm nay chiếm nhiều nhất, gấp gần 7 lần so với năm ngoái. Là môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp, việc bị điểm liệt Ngữ văn đồng nghĩa thí sinh bị trượt tốt nghiệp, không thể xét tuyển đại học, cao đẳng dù điểm các môn khác cao.
Tổng số điểm 10 của năm 2019 là 1.287 bằng 1/4 so với năm 2017 (4.500, bài thi đạt điểm 10) và cao hơn năm 2018 (gần 500). Trong tổng số 1.287 điểm 10 các môn, Giáo dục công dân là môn có số lượng nhiều nhất với 784 bài thi; Tiếng Anh đứng thứ hai với 299 bài; Lịch sử đứng thứ ba với 80 bài.
Ngữ văn không có điểm 10 tuyệt đối và chỉ có 12 thí sinh đạt mức cao nhất là 9,5 điểm. Việc môn Giáo dục công dân có số lượng điểm 10 nhiều nhất, theo các chuyên gia là chuyện bình thường và dễ hiểu, bởi nội dung kiến thức trong môn học và đề thi liên quan nhiều đến đời sống thực tế của học sinh.
Năm nay, có 3 môn thi điểm trung bình dưới 5 gồm: Sinh học, Lịch sử, Tiếng Anh. Trong đó Sinh học, Lịch sử là hai môn thành phần trong bài thi tổ hợp, số thí sinh sử dụng bài này để xét tuyển đại học không nhiều. Trong số thí sinh dùng 2 môn này để xét tuyển đại học thì điểm trung bình trên 5 là chủ yếu.
Tất cả các em điểm cao môn Lịch sử, Sinh học trên 5 đều sử dụng môn đó để xét tuyển đại học. Riêng môn Lịch sử, 70% bài thi có điểm dưới trung bình vì đa phần các em xác định chỉ thi để xét tốt nghiệp.
Có thể thấy, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia 2019 nhỉnh hơn một chút so với năm 2018 nhưng cơ bản phổ điểm các môn thi năm 2018, 2019 có sự tương đồng. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT, đánh giá với kết quả khả quan của phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của cả nước sẽ khoảng trên 90% dù cách tính điểm xét tốt nghiệp đã thay đổi (70% từ điểm thi và 30% từ điểm học bạ). Con số này là phù hợp với chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay.
Riêng môn Tiếng Anh có điểm trung bình trên 4, số điểm thấp rất lớn nhưng số điểm cao cũng rất nhiều và nếu tính riêng cho từng địa phương thì điểm cao vượt trội thuộc về các thành phố lớn Hà Nội, TPHCM. Điều này cho thấy dù là môn quan trọng, môn bắt buộc để tính điểm thi tốt nghiệp và là môn học cần thiết cho học sinh trong tương lai, nhưng chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các địa phương.
Phụ huynh tra cứu điểm thi cho con em, người thân mình. Ảnh: BẢO NGỌC
PGS-TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) đánh giá phổ điểm đã phản ánh được thực chất năng lực học sinh phổ thông so với chuẩn kiến thức kỹ năng các em đã đạt được. Môn Lịch sử và Tiếng Anh, dù điểm trung bình dưới 5 nhưng phản ánh đúng thực trạng dạy và học các môn này ở phổ thông nhiều năm nay…
Môn Lịch sử cũng trong tình trạng tương tự khi số điểm thấp chiếm tới hơn 70% nhưng số điểm 10 cũng khá lớn (hơn 80 điểm 10). Điều đó cho thấy, ngành giáo dục cần lý giải để tìm ra nguyên nhân của việc môn Lịch sử và Tiếng Anh nhiều năm liền là 2 môn có số điểm trung bình thấp nhất để có giải pháp khắc phục trong cách dạy và học.
Điểm chuẩn trường tốp trên sẽ tăng
Theo công bố của Bộ GD-ĐT về phổ điểm của các khối thi đại học truyền thống, có thể thấy, mức điểm trung bình 3 môn của mỗi khối năm nay ở mức 16-18 điểm; không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối 30/30 ở các tổ hợp xét tuyển.
Cụ thể, khối A0 có điểm trung bình là 17.73, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 19.55. Khối A1, điểm trung bình là 17.39, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17.75 điểm. Khối B điểm trung bình là 16.85, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 17.80. Khối C điểm trung bình là 15.64, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15.50.
Mức điểm ở khối D0 là 15.78 điểm trung bình, tổng điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 15. Phổ điểm các khối thi theo đó đều lệch phải, khoảng 75% thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Ở ngưỡng điểm 20, đồ thị có sự phân hóa đều, từ ngưỡng 24 điểm độ dốc của đồ thị lớn.
Nhìn chung, phổ điểm các khối đều lệch phải; có khoảng 75% thí sinh đạt điểm từ 15/3 môn trở lên. Điều này chứng tỏ học trò vẫn có tính thực dụng khi lựa chọn môn học, đa phần các em chỉ tập trung học những môn phục vụ cho thi đại học.
Như vậy, phổ điểm hơn mức 5 điểm/môn nhưng ít “chạm” mức 10 điểm/môn. Do đó, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT nhận định, việc tuyển sinh năm nay sẽ không thể “ồ ạt” theo kiểu “30 điểm vẫn trượt đại học” như đã từng xảy ra.
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng phổ điểm thi các môn và các khối thi năm nay có sự phân hóa tốt. Điều này không chỉ giúp các đại học tốp trên thuận lợi tuyển sinh vì phổ điểm từ mức 24 trở lên có độ dốc lớn, mà các trường đại học tốp giữa cũng đảm bảo được nguồn tuyển vì số lượng thí sinh đạt mức 17 - 20 điểm/tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng dồi dào.
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự tính điểm chuẩn của các trường tốp trên sẽ cao hơn năm ngoái. Đối với các trường tốp giữa thì ổn định như năm ngoái. Thầy Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng nhận xét không chỉ các đại học tốp trên thuận lợi tuyển sinh vì phổ điểm từ mức 24 trở lên có độ dốc lớn, các trường đại học tốp giữa cũng đảm bảo được nguồn tuyển vì số lượng thí sinh đạt mức 17 - 20 điểm/tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng dồi dào.
Năm nay điểm thi có độ phân hóa cũng tương đối tốt, không quá nhiều điểm cao như 2017 nhưng cũng không quá ít như 2018. Xét theo phổ điểm các khối truyền thống thì năm nay rất đẹp. Ngưỡng điểm từ 22 trở lên phân hóa tốt, độ dốc rất cao, nên trường ở tốp trên nguồn tuyển không ít, xét tuyển khá dễ dàng, ví dụ khối B từ 26 điểm trở lên cũng đủ cho các trường xét tuyển. Còn với ngưỡng điểm bình quân 17 - 20, tập trung khá nhiều thí sinh, dồi dào nguồn tuyển cho trường tốp giữa. Nếu lấy ngưỡng điểm tầm 15 thì các trường đủ nguồn để tuyển để xét theo điểm thi THPT quốc gia.
Nhiều trường đại học nhận định, điểm chuẩn năm nay sẽ có thay đổi. Với các trường tốp trên và nhóm trường công an, quân đội do có nhiều phương thức xét tuyển, số lượng tuyển thẳng nhiều, khối trường công an, quân đội lại giảm chỉ tiêu, cộng với việc năm nay số lượng thí sinh điểm thi cao nhiều hơn nên điểm các trường tốp trên sẽ tăng khoảng hơn 2 điểm so với 2018. Với trường tốp giữa, điểm trúng tuyển mọi năm khoảng 20-21 thì năm nay sẽ tăng khoảng 1 điểm, nhưng sẽ không quá 2 điểm. Nhóm trường xét tuyển trong nhóm 17-19 điểm thì gần như không tăng.
Nhiều chuyên gia dự đoán: khối ngành IV (Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên) điểm chuẩn tăng từ 1-3 điểm, trong đó ngành công nghệ sinh học sẽ tăng nhiều; khối ngành V (Toán, CNTT, Kỹ thuật công nghệ, Chế biến, Xây dựng, Kiến trúc, Nông lâm, Thủy sản, Thú y) điểm chuẩn tăng từ 1 - 3 điểm, trong đó nhóm ngành CNTT, Hóa học tăng cao hơn từ 2 - 3 điểm; khối ngành VI (Khối ngành sức khỏe) tăng ít nhất khoảng 2-4 điểm.
Theo Sài gòn giải phóng
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hon-90-hoc-sinh-dau-tot-nghiep-thpt-tren-ca-nuoc-a532941.html