Trong đó, Bộ yêu cầu Hiệu trưởng các trường thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong công tác tuyển sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, việc thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về việc tổ chức tuyển sinh và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân tham gia công tác tuyển sinh, giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia công tác tổ chức tuyển sinh thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh và các văn bản liên quan, góp phần đảm bảo cho việc tuyển sinh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra cũng góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có); góp phần đảm bảo cho công tác tuyển sinh nghiêm túc, đúng Quy chế.
Đồng thời, phát hiện những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị biện pháp khắc phục, hoàn thiện phương án tuyển sinh; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, hoàn thiện phương thức tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ và TC nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lí thông tin phản ánh về tiêu cực trong công tác tuyển sinh. Ảnh minh họa.
Bộ GD&ĐT yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra phải tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ và kịp thời; có trọng tâm, trọng điểm; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng tuyển sinh, không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân tham gia công tác tuyển sinh; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm Quy chế tuyển sinh theo quy định.
Cán bộ, công chức, viên chức tham gia Đoàn thanh tra, kiểm tra của Trường phải đáp ứng các điều kiện như: Là cán bộ thuộc Phòng/Ban thanh tra nội bộ, cán bộ thanh tra chuyên trách, cộng tác viên thanh tra hoặc cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ quản lý, giảng viên cơ hữu nắm vững Quy chế tuyển sinh và các văn bản có liên quan, nắm được quy trình nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, không được tham gia công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh khi có người thân (con, vợ, chồng, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình và của vợ hoặc chồng) dự thi hay xét tuyển vào trường năm 2019 hoặc đang trong thời gian bị kỷ luật hay đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi.
Nội dung thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT, Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và Quy chế tuyển sinh, trong đó tập trung vào một số nội dung: Thanh tra, kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh; việc tổ chức thi tuyển sinh; tổ chức xét tuyển.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Hiệu trưởng các trường thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, Bộ GD&ĐT giao Thanh tra Bộ là đầu mối nắm bắt thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh năm 2019, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm theo quy định pháp luật.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lap-duong-day-nong-tiep-nhan-xu-li-thong-tin-phan-anh-tieu-cuc-thi-cu-a533065.html