Mới đây, đại diện bộ GTVT cho biết sẽ đề xuất nghiên cứu đưa mô hình school bus vào dự án Xây dựng luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sắp tới.
Hai ngày qua, sự bàng hoàng, đau xót về cái chết thương tâm của học sinh lớp 1 trường Phổ thông liên cấp Gateway vẫn chưa hề nguôi. Hình ảnh người mẹ khóc ngất tại đám tang, người cha cố gắng trụ vững để lo thủ tục an táng cho con đến phút cuối cũng đành ngã quỵ khiến nhiều người không khỏi đau lòng.
Nỗi đau của người cha, người mẹ đứa bé khiến người chứng kiến vụ việc không khỏi đau lòng. Ảnh: Xuân Chinh
Vẫn còn đó những câu hỏi chưa có lời giải về sự vô tâm, tắc trách của Ban giám hiệu nhà trường, của các nhân viên từ lái xe đến cô giáo phụ trách. Tuy nhiên, nhức nhối hơn cả là quy trình đưa đón học sinh tại các trường học hiện nay đã bộc lộ rõ nét nhiều bất cập.
Từ vụ việc trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin, đại diện bộ GTVT cho biết: “Trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tới đây, bộ GTVT cùng nhiều bộ, ngành cũng đã đưa ra đề xuất để nghiên cứu, thực hiện một số một số loại hình phương tiện và đặc biệt ưu tiên đến xe chung chuyển, đưa đón học sinh (school bus), tổ chức giao thông tại một số điểm nhạy cảm như trường học, bệnh viện,....”.
“Tuy nhiên, để áp dụng loại hình school bus ở nước ta thì vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu, sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế để đạt hiệu quả cao nhất”, vị này cho biết thêm.
Đại diện bộ GTVT cho biết sẽ đề xuất nghiên cứu đưa mô hình school bus vào dự án xây dựng luật giao thông đường bộ sửa đổi sắp tới.
Theo đó, để áp dụng được loại hình này thì yếu tố tổ chức, kết cấu hạ tầng giao thông là rất quan trọng. Cụ thể như nước Mỹ - một quốc gia rất thành công trong việc áp dụng hệ thống school bus, các trường học được xây dựng ở một khu vực riêng, hệ thống kết cấu hạ tầng đủ diện tích cho việc bố trí các điểm đỗ của school bus,... trong khi đó hệ thống trường học, kết cấu hạ tầng ở nước ta lại chưa đáp ứng được những yêu cầu trên.
Vị này cũng cho biết, hiện nay, trong hệ thống giáo dục ở nước ta cũng đã áp dụng loại hình xe đưa đón học sinh và đạt được những kết quả tích cực nhất định tuy nhiên những chiếc xe đưa đón này chỉ là loại xe khách bình thường, do các trường tự kí hợp đồng với các nhà xe.
Điểm đặc biệt của school bus
School bus là phương tiện giao thông chuyên để đưa đón học sinh với thiết kế đặc biệt để trở nên nổi bật nhất, dễ nhận diện nhất và mang nhiều tính năng an toàn nhất như có biển Stop ở bên sườn trái và một tấm chắn phía trước như một “tay vượt”. Mỗi khi xe bus dừng thì tấm biển Stop sẽ mở ra như cái cánh để người đi hai bên đường nhìn thấy và bảo vệ trẻ.
School bus tại Mỹ là phương tiện giao thông an toàn nhất trên đường, an toàn gấp 70 lần so với việc sử dụng xe cá nhân.
Tay vượt phía trước xe được áp dụng ở một số bang để buộc người băng qua đường phải đi cách mũi xe một khoảng nhất định, vì nếu đi sát vào đầu xe thì tài xế sẽ có thể không nhìn thấy và lái xe gây tai nạn. Ghế xe cũng được thiết kế an toàn, đạt tiêu chuẩn cao và có khả năng bảo vệ người ngồi ở mức tốt nhất.
Bên cạnh đó, School bus sẽ quy định đặc biệt về màu xe (ở Mỹ nổi bật với màu vàng, là vì màu vàng là màu rất dễ thấy, nhưng không quá chói mắt như màu đỏ). Vì thế, nhân viên sửa đường giao thông, nhân viên cứu hộ khẩn cấp, đèn vàng giao thông trước khi ngừng, đều dùng màu vàng cam này. Đặc biệt, khi trời nhá nhem tối thì dòng chữ màu đen trên nền vàng dường như sẽ dễ nhìn thấy nhất so với các màu khác.
Xem thêm clip: Quận Cầu Giấy trả lời báo chí về vụ cháu bé tử vong do bị để quên trên ô tô:
[presscloud]http://media.phununews.vn/upload/video/2019/08/08/Từ vụ án học sinh lớp 1 trường Quốc tế Gateway tử vong- Đề xuất áp dụng mô hình school bus tại Việt Nam.mp4[/presscloud] |
Theo Người đưa tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tu-vu-an-o-truong-gateway-tu-vong-de-xuat-ap-dung-mo-hinh-school-bus-tai-viet-nam-a533878.html