Bom tấn truyền hình `Watchmen` tái hiện nước Mỹ không điện thoại thông minh, internet

Lấy bối cảnh năm 2019 tại thành phố Tulsa ở tiểu bang Oklahoma, nước Mỹ, bộ phim truyền hình Watchmen của HBO sẽ khắc hoạ một nước Mỹ ba mươi năm sau những sự kiện đã xảy ra trong bộ truyện Watchmen.

Một trong những nhân vật chính của "Watchmen" sẽ là một thanh tra của lực lượng cảnh sát Tulsa Angela Abar, do nữ diễn viên đạt giải Oscar Regina King thể hiện. Vốn là một người mẹ với ba con nhỏ và là một cảnh sát ngầm với vỏ bọc là một thợ làm bánh, Angela buộc phải che giấu thân phận thực sự đằng sau lớp mặt nạ của nữ hiệp Sister Night, để bảo vệ gia đình mình khỏi tổ chức đề cao chủ nghĩa da trắng thượng đẳng Seventh Cavalry, nơi mà những thành viên phân biệt chủng tộc đeo chiếc mặt nạ tương tự Rorschach.

Nhân vật chính của "Watchmen" là Sister Night, một đặc vụ ngầm của Sở Cảnh sát Tulsa.

Bên cạnh Sister Night, khán giả sẽ chứng kiến sự xuất hiện của một nhân vật với chiếc mặt nạ như một tấm gương có tên gọi Looking Glass. Phân cảnh Looking Glass ăn đồ hộp trong đoạn trailer của "Watchmen" gợi nhớ đến cái cách mà Rorschach ăn đồ hộp khi đến thăm nhà của Nite Owl II trong truyện tranh.

Theo nam diễn viên thủ vai Looking Glass, Tim Blake Nelson, đây cũng là một thanh tra thẩm vấn của Sở Cảnh sát Tulsa và cũng là một nhà nghiên cứu hành vi mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Theo như trong trailer, tờ Nhật báo Tulsa đã công bố cái chết của Ozymandias Adrian Veidt, khi này đã già. Khán giả cũng được chứng kiến cảnh Ozymandias đã nhắc lại câu nói cuối cùng của Doctor Manhattan trước khi rời khỏi Trái Đất, "Nothing ever ends." Mặt khác, hình ảnh con quái vật khổng lồ với những xúc tu mà hắn đã tạo ra cũng đã xuất hiện thoáng qua trong một phiên toà, theo như trailer của "Watchmen".
 
 
Tổ chức Seventh Cavalry gần như một giáo phái tôn thờ người hùng quá cố Rorschach.

"Watchmen", cho tới giờ phút này, vẫn là tượng đài vĩ đại trong giới thiểu thuyết truyện tranh. Fan của Watchmen có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí cả tác giả Alan Moore cũng không thích ý tưởng đưa bộ truyện của ông lên màn ảnh, bởi "Watchmen" được truyền tải thông qua công cụ là truyện tranh tĩnh, mọi hình ảnh động sẽ làm nó mất đi bản chất vốn có.

Thế nhưng ta hãy cứ chờ đợi xem sao, bởi đạo diễn của series Watchmen, Damon Lindelof là một fan gạo cội của bộ truyện, đã từng một mực từ chối không sản xuất Watchmen vì kính nể Alan Moore, nhưng giờ đã đổi ý. Ta cùng chờ xem "Watchmen" của HBO sẽ mang lại điều bất ngờ gì.

"Watchmen" của HBO là phần tiếp theo của bộ truyện tranh Watchmen, không phải phiên bản phim chuyển thể của Zack Snyder.

Ra mắt vào năm 1986, "Watchmen" được xem là một trong các bộ truyện tranh vĩ đại nhất mọi thời. Tờ Time xếp tác phẩm là một trong 100 tiểu thuyết hay nhất mọi thời (đứng cùng 99 truyện chữ). Truyện gợi nhiều suy ngẫm về chính trị, xã hội, triết học chứ không chỉ hướng đến khía cạnh giải trí. Câu chuyện bắt đầu khi người hùng Rorschach điều tra vụ án mạng, sau đó phát hiện một âm mưu lớn có thể thay đổi thế giới.

Phim điện ảnh "Watchmen" công chiếu năm 2009, do Zack Snyder đạo diễn. Khi bắt đầu phát triển phim truyền hình "Watchmen" vào năm 2015, HBO liên hệ Zack Snyder. Tuy nhiên, đạo diễn Mỹ rời dự án và Damon Lindelof thế chỗ. Lindelof từng ghi dấu với loạt phim Lost và Leftovers.

Series "Watchmen" sẽ phát sóng vào lúc 9h sáng thứ Hai hàng tuần trên kênh HBO, phát lại vào lúc 22h tối cùng ngày.

Hà Linh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bom-tan-truyen-hinh-watchmen-tai-hien-nuoc-my-khong-dien-thoai-thong-minh-internet-a535811.html