Tỉnh ủy Bình Dương vừa họp báo thông tin về thanh tra việc chuyển nhượng “giá bèo” 43 ha “đất vàng” thuộc khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương tại thành phố mới Bình Dương (P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) từng gây xôn xao dư luận.
Theo tìm hiểu, cũng trong phạm vi khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (khu liên hợp) còn 1 phi vụ “đất vàng” khác, với quy mô lên đến 145 ha (làm tròn), liên quan trực tiếp đến Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là Tổng công ty Bình Dương, trụ sở tại A128 đường 3.2,KP.Đông Tư, P.Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương).
45 ha 'đất vàng' nay trở thành sân golf thuộc quyền quản lý, khai thác của Công ty Tân Thành; Trụ sở Tổng công ty Bình Dương tại P.Lái Thiêu, TX.Thuận An (ảnh nhỏ)
Tổng công ty Bình Dương từ 2017 trở về trước là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước, đơn vị kinh tế đảng trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Vào thời điểm tháng 12.2017, theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về phê duyệt phương án cổ phần hóa, giá trị thực tế tổng tài sản DN này hơn 5.481 tỉ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN lên đến hơn 1.773 tỉ đồng. Như vậy, về nguyên tắc, hoạt động của Tổng công ty Bình Dương khi chưa cổ phần hóa, bắt buộc phải tuân thủ quy định pháp luật đối với DN nhà nước (DNNN); các giao dịch, hoạt động đầu tư, chuyển nhượng dự án... đều phải tuân thủ các quy định pháp luật đối với DNNN. Thế nhưng, thực tế tại Tổng công ty Bình Dương đã có những “biến hóa bất thường”.
Đất chưa được giao đem liên doanh, không đấu giá
Là đơn vị kinh tế đảng trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, nên ngay từ khi Thủ tướng phê duyệt đề án khu liên hợp quy mô khoảng 4.200 ha vào năm 2003, với mục tiêu xây dựng thành phố mới Bình Dương trở thành nơi hội tụ những ý tưởng về xây dựng thành phố công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo dựng được diện mạo đô thị và hình thành các loại hình dịch vụ hỗ trợ theo hướng kỹ thuật cao cho quá trình phát triển của cả tỉnh Bình Dương, Tổng công ty Bình Dương đã được “chọn mặt gửi vàng”. Minh chứng là vào năm 2004, Tổng công ty Bình Dương (100% vốn nhà nước) được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương cho tham gia đền bù và đầu tư khu dịch vụ khoảng 567 ha tại khu liên hợp có vị trí đắc địa (ngay trung tâm) để tạo động lực.
Tuy nhiên, đến ngày 12.10.2007, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương, làm đại diện ký hợp đồng liên doanh với 2 công ty Hàn Quốc là IC Corporation và K Source Solutions để lập ra Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành), vốn điều lệ 30 triệu USD nhằm thực hiện dự án “CLB sân golf và khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp”, gồm: sân golf 18 lỗ, CLB giải trí, khu căn hộ cao tầng, khu nhà ở cao cấp và khu thương mại trên khu đất tọa lạc tại khu liên hợp. Phía Tổng công ty Bình Dương góp 30% vốn điều lệ 9 triệu USD bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 150 ha, phía 2 công ty của Hàn Quốc góp 21 triệu USD (70% vốn điều lệ).
Quá trình liên doanh này có nhiều bất thường. Điển hình nhất là việc Tổng công ty Bình Dương “qua mặt” UBND tỉnh Bình Dương đã tự ý ký trước hợp đồng liên doanh với đối tác nước ngoài, nhưng 6 ngày sau (ngày 17.10.2007) mới có văn bản xin chủ trương, và đến ngày 24.10.2007 mới được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương liên doanh. Tổng công ty Bình Dương còn tự ý định giá QSDĐ 6 USD/m2 để ký kết liên doanh, trong khi thời điểm này 150 ha đất (nằm trong khoảng 567 ha tại khu liên hợp) chưa được UBND tỉnh Bình Dương giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Mặc dù ngay từ đầu đã có sự bất thường đó, nhưng UBND tỉnh Bình Dương vẫn cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Tân Thành vào ngày 2.11.2007.
Chuyển nhượng vốn, góp thay vốn...
Dấu hiệu bất thường chưa dừng lại ở thời điểm đầu khi Tổng công ty Bình Dương được “chọn mặt gửi vàng”, mà trong quá trình liên doanh còn có những bất thường khác. Theo hợp đồng liên doanh mà Tổng công ty Bình Dương ký kết với 2 đối tác Hàn Quốc (cùng là 3 cổ đông sáng lập để hình thành liên doanh Công ty Tân Thành), tại điều 4.10 quy định “không cổ đông sáng lập nào được phép chuyển nhượng vốn góp trước khi các cổ đông sáng lập hoàn tất việc đóng góp đầy đủ vốn điều lệ là 30 triệu USD và trước khi công ty thanh toán đầy đủ giá trị còn lại của khu đất là 15 triệu USD cho Tổng công ty Bình Dương”.
Thế nhưng, liên doanh này “đứt gánh giữa đường” khi vào tháng 2.2011, phía 2 công ty Hàn Quốc đã lập “Hợp đồng chuyển nhượng vốn và nhận góp thay vốn” với Công ty TNHH Phát Triển và Công ty CP Hưng Vượng. Theo đó, Công ty TNHH Phát Triển và Công ty CP Hưng Vượng nhận chuyển nhượng phần vốn đã góp của phía Hàn Quốc là 5,2 triệu USD (đã góp tính đến thời điểm 2011) và nhận góp thay phần vốn chưa góp của phía 2 công ty phía Hàn Quốc là 15,8 triệu USD (tương đương 52,67% vốn điều lệ). Như vậy, phi vụ chuyển nhượng này đã vi phạm hợp đồng liên doanh, nhưng Tổng công ty Bình Dương vẫn để việc “chuyển nhượng vốn góp cũng như góp thay vốn” diễn ra.
Sau phi vụ chuyển nhượng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (vào thời điểm này là ông Lê Thanh Cung) cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 46122000080 thay đổi lần thứ 1 (ngày 20.4.2011) cho Công ty Tân Thành (trụ sở chính P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một). Theo đó, Công ty Tân Thành được chuyển đổi từ DN có vốn đầu tư nước ngoài thành DN 100% vốn trong nước, theo loại hình công ty cổ phần.
Phần vốn góp vào Công ty Tân Thành, gồm: Tổng công ty Bình Dương (người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Minh, sinh 1955, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) góp 144 tỉ đồng, tương đương 9 triệu USD, chiếm 30% vốn điều lệ bằng QSDĐ (150 ha tại khu liên hợp); Công ty TNHH Phát Triển (trụ sở chính tại TP.Thủ Dầu Một; người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thục Anh, sinh năm 1982, Chủ tịch HĐTV) góp hơn 153 tỉ đồng, tương đương 9,6 triệu USD, chiếm 32% vốn điều lệ bằng tiền mặt; Công ty CP Hưng Vượng (trụ sở chính P.Lái Thiêu, TX.Thuận An; người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT) góp hơn 182 tỉ đồng, tương đương 11,4 triệu USD, chiếm 38% vốn điều lệ bằng tiền mặt. Người đại diện pháp luật của Công ty Tân Thành sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 46122000080 thay đổi lần thứ 1, là ông Nguyễn Văn Minh.
Rơi vào "công ty gia đình"
Một chi tiết hết sức đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bình Dương Nguyễn Văn Minh (vào thời điểm 2011) cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hưng Vượng; bà Nguyễn Thục Anh là con gái của ông Nguyễn Văn Minh. Dự án “CLB sân golf và khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp” trên diện tích khoảng 150 ha đất vàng ở khu liên hợp, trước đây liên doanh với 2 đối tác Hàn Quốc, theo đó đã “lọt về tay” Công ty Tân Thành với quyền chi phối lớn của Công ty TNHH Phát Triển và Công ty CP Hưng Vượng do cha con ông Nguyễn Văn Minh làm chủ tịch, đại diện theo pháp luật.
Theo tài liệu thu thập được, lợi nhuận của Công ty Tân Thành chỉ đạt khoảng 24 triệu đồng trong năm 2016, đến năm 2017 cũng chỉ đạt khoảng 24 triệu đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, năm 2018 đạt khoảng 23 tỉ đồng. Vào thời điểm 2016, giá trị của Công ty Tân Thành khoảng 650 tỉ đồng. Thế nhưng, khi chính thức được các bên (Tổng công ty Bình Dương và Công ty Tân Thành) “tự hợp thức hóa” phần vốn góp bằng QSDĐ khoảng 145 ha (giảm khoảng 5 ha so với 150 ha ban đầu liên doanh với 2 đối tác Hàn Quốc) năm 2017 từ Tổng công ty Bình Dương, giá trị Công ty Tân Thành tăng lên hơn 5.744 tỉ đồng (khoảng 5.094 tỉ đồng).
Vì sao Công ty Tân Thành dễ dàng thâu tóm 145 ha “đất vàng” ở ngay trung tâm thành phố mới Bình Dương chỉ với “hợp đồng chuyển nhượng vốn và nhận góp thay vốn” để gia tăng giá trị của công ty ở mức “khủng”? Vì sao 145 ha “đất vàng” đó, vốn là tài sản DNNN, nhưng Tổng công ty Bình Dương lại dễ dàng cho “sang tay” mà không qua đấu giá? Và vì sao mức giá tùy tiện ấn định chỉ 6 USD/m2 (tương đương hơn 90.000 đồng/m2 theo tỷ giá quy đổi mà hợp đồng liên doanh ấn định) vào thời điểm 2007, vẫn được giữ nguyên khi Công ty Tân Thành nhận chuyển nhượng vào năm 2011 và chính thức được “hợp thức hóa” vào năm 2017? Quá nhiều vấn đề bất thường như vậy đã được thực hiện “trót lọt”, khiến dư luận nghi vấn trong phi vụ “khủng” này, phải chăng có lợi ích nhóm?
NHẬT MAI (theo Thanh Niên)