Đọc sách thường xuyên
Có thể nói, đọc sách chính là “khoản đầu tư” có lãi nhất với mỗi người. Nguyên do là việc đọc sách không chỉ đem lại nhiều lợi ích sức khỏe tinh thần mà còn giúp cải thiện bản thân bạn theo hướng tốt hơn.
Việc đọc sách mỗi ngày cũng giống như bài tập cho não bộ giúp bạn tăng cường trí nhớ và tư duy logic. Ngoài ra, việc làm này còn thúc đẩy các tế bào thần kinh, cho phép bạn sáng tạo, suy nghĩ rõ ràng hơn giúp trí não của bạn được khỏe mạnh. Hơn nữa, thói quen tốt cho sức khỏe này còn được chứng minh có thể ngăn ngừa và giảm tình trạng Alzheimer.
Để hình thành thói quen này, bạn nên đặt sách ở nhiều vị trí trong nhà như bếp, phòng tắm và cả giường ngủ nữa. Việc mang theo một quyển sách bên mình khi ra ngoài hay di chuyển trên các phương tiện công cộng cũng là cách để bạn xây dựng thói quen đọc sách. Thời gian đầu, bạn dành khoảng từ 15 – 20 phút để đọc sách nhưng sau đó có thể tăng dần thời lượng lên.
Kiểm tra sức khỏe theo định kỳ
Đối với người Việt, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên gần như vẫn chưa được quan tâm đúng mức dù rằng thủ tục này rất quan trọng. Trong bối cảnh các vấn đề về môi trường tại Việt Nam đang ở mức báo động, tình trạng ô nhiễm không khí, thực phẩm bẩn đang góp phần làm gia tăng nhiều nguy cơ về bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư thì việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên cần được chú trọng.
Hiện có rất nhiều người chỉ đi thăm khám khi có bệnh mà hiếm khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Điều này dẫn đến những thực trạng đáng buồn là nhiều căn bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn, hao tổn kinh tế, thậm chí một số loại bệnh như ung thư, viêm gan siêu vi… khi đã vào giai đoạn cuối thường sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Vì thế việc khám sức khỏe định kỳ là thói quen tốt cho sức khỏe. Thông qua việc thăm khám, các bác sĩ có thể giúp bạn dự đoán trước một số loại bệnh lý gây hại cho cơ thể và đưa ra giải pháp điều trị tốt hơn, đồng thời có thể theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân.
Với trẻ em, bạn cần chú ý đến việc tiêm phòng của các bé. Bạn cần phải đảm bảo đủ số lượng mũi tiêm phù hợp ở từng độ tuổi nhằm bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh nguy hiểm.
Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn
Tưởng chừng đơn giản nhưng hành động này lại đóng vai trò quan trọng với sức khỏe. Nếu không rửa tay, các vi sinh vật gây hại, vết bẩn sẽ tấn công và tích tụ gây ra các bệnh như tiêu chảy, viêm nhiễm đường hô hấp, thậm chí có thể lây bệnh cho người khác hoặc dẫn đến vấn đề kháng kháng sinh.
Thực tế, nhận thức của nhiều người về việc rửa tay sạch thường xuyên lại không cao, đặc biệt là chưa đúng cách. Khi rửa tay, hầu hết mọi người đều chỉ sử dụng một lượng rất ít xà phòng và rửa sơ sài qua nước mà quên đi khâu vệ sinh những vị trí quan trọng là nơi tích tụ mầm bệnh như lòng bàn tay, mu bàn tay, các kẽ tay, cũng như kẽ móng.
Lưu ý rằng, bạn nên rửa tay bằng xà phòng với nước không nên sử dụng các loại nước rửa tay khô. Loại sản phẩm này không có tác dụng đối với một số mầm bệnh trên tay, cũng như đối với các vết bẩn hữu cơ vì chúng không thể hoàn toàn loại bỏ được.
Ngâm chân thường xuyên
Mỗi buổi tối nên ngâm chân bằng nước nóng với nhiệt độ khoảng 50oC. Nên cho thêm một chút giấm hoặc ít muối vào chậu nước ngâm chân. Muối có tác dụng khử trùng, còn giấm có tác dụng dưỡng da. Khi ngâm, nên lấy hai chân cọ xát vào nhau. Sau 10 phút, lau khô chân và dùng tay xoa bóp hai chân. Điều này rất có lợi vì từ khớp xương cổ chân trở xuống có tới 66 huyệt, tương ứng với các bộ phận trên cơ thể con người.
Uống nước vào buổi sáng
Ngay sau khi bước chân xuống giường, hãy uống 1 ly nước (nước ấm càng tốt) từng ngụm nhỏ để cung cấp nước cho cơ thể, loại bỏ những độc tố và khởi động cho dạ dày, ruột...
Tập thể dục thường xuyên
Hãy dành 5 - 10 phút cho những động tác thể dục đơn giản như vươn vai, hít thở, vặn mình... Chúng sẽ đem đến cho bạn sự linh hoạt và nhanh nhẹn trong suốt cả ngày.
Trúc Chi t/h
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/6-meo-nho-tot-cho-suc-khoe-ban-khong-nen-bo-qua-a537735.html