Nỗi đau “vợ hờ” tuổi xế chiều

Làm “vợ hờ” ở tuổi “xế chiều” khiến những người đàn bà ấy chịu nhiều điều tiếng từ thiên hạ. Những tưởng ông trời sẽ bù đắp cho họ những tổn thương trong quá khứ nhưng rồi, cuộc sống cứ đẩy họ vào bi kịch đau đớn, không lối thoát… Họ muốn vùng vẫy, thoát ra mà không được.

Lầm lỡ tuổi xế chiều

Sau khi ly hôn, thoát khỏi người chồng nghiện rượu nhưng sau đó chị Nguyễn Hân (47 tuổi, Tuyên Quang) lại chọn nhầm “bến nước đục”. Người “chồng hờ” là kẻ cục cằn, thô lỗ, thường xuyên trút lên người chị “cơn mưa đòn roi”.

Hơn 1 năm sau khi bước chân ra khỏi căn nhà như địa ngục, chị Hân gặp Ng., người đàn ông hơn chị gần chục tuổi. Nhà của ông ta, cách nhà chị hơn 10km, hôn nhân tan vỡ chỉ vì hai vợ chồng không hợp nhau. Trái tim khô cằn của chị Hân như “nắng hạn gặp mưa rào”, chị được ông ta quan tâm, chăm sóc. Vì thế, bất chấp sự ngăn cản của con cái chị về làm “vợ hờ” người đàn ông ấy.

Nhưng về mới được hơn một năm ông ta đã “dở chứng”, thường xuyên chửi bới, đánh đập, ghen bóng gió chị với mối làm ăn thân tình. Khi bất đồng quan điểm, vợ chồng nảy sinh tranh luận, ông ta không ngần ngại buông những lời xúc phạm về Hân và các con của chị.

 Hãy tỉnh táo khi lựa chọn bạn đời tuổi xế chiều - Ảnh minh hoạ.
Hãy tỉnh táo khi lựa chọn bạn đời tuổi xế chiều - Ảnh minh hoạ.

Nhiều lần không chịu đựng được, chị đã nhẹ nhàng góp ý để "chồng hờ" thay tính, đổi nết nhưng được vài hôm, ông ta lại quát mắng: “Làm vợ hờ mà cũng dám lên lớp dạy bảo à”, “Đồ hư hỏng, bỏ nhà theo trai”,... Nói rồi ông ta nhìn chị với vẻ mặt tức giận, khi đó, Hân cảm thấy bị tổn thương vô cùng.

Hơn 7 năm qua, chị phải phục tùng, răm rắp nghe theo mệnh lệnh của ông ta. Thời gian gần đây, ông ta đổ bệnh, con cái không đứa nào xuống chăm sóc, chỉ có mình chị ngày đêm phục vụ.

Thế nhưng, cứ nhìn thấy chị, ông ta cáu gắt, mắng chửi, thậm chí đồ ăn mua về không vừa ý ông ta đập ngay tại chỗ, trước sự chứng kiến của rất nhiều bệnh nhân trong phòng. Thấy chuông điện thoại của chị reo lên, ông ta vồ lấy, bắt đầu tra khảo, đay nghiến.

Uất ức không chịu được chị bỏ về, nhưng đi được nửa đường ông ta gọi điện ngọt nhạt xin lỗi, mong chị quay lại. Hân trách bản thân mình quá mềm lòng, vấp một lần rồi mà không tỉnh táo, lại để cuộc đời rơi vào vòng luẩn quẩn bế tắc này. Giờ chị muốn thoát ra cũng không được, chị phải làm sao đây?

Tỉnh ngộ

Đồng cảnh ngộ với chị Hân là chị Tăng Mỹ Hà (44 tuổi, Hà Nội). Chị Mỹ Hà có chồng làm công nhân, nhưng chồng chị qua đời cách đây 4 năm trước. Hai vợ chồng chị không có con cái nên sau khi chồng qua đời mình chị vò võ trong căn nhà vắng. Và rồi, sau 3 năm chồng qua đời, chị gặp ông Minh Lương (53 tuổi) tại công viên trong một buổi chiều đi thể dục. Từ hôm đó, họ bắt đầu liên lạc.

Sau 3 tuần trò chuyện cả hai chính thức “phải lòng” nhau. Thời gian đầu, ông Lương thường xuyên lui tới nhà chị Mỹ Hà, sau đó không biết ông ta thủ thỉ với chị điều gì mà chị chuyển về sống chung.

Nói về gia đình ông Minh Lương, người dân khu phố đó ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Vợ mất khi con gái thứ 2 chào đời, một mình ông Lương nuôi hai đứa con khôn lớn. Đứa con trai đầu sinh năm 1993, cờ bạc, bỏ nhà đi bụi thường xuyên. Còn đứa con gái thứ hai, sinh năm 1995 cũng do yêu đương sớm mà có bầu với con người ta. Tuy nhiên, hiện tại, vợ chồng con gái ông Lương cũng đã ly hôn và cô ta chuyển về sống cùng bố.

Từ ngày về sống cùng ông Lương chị Mỹ Hà không những phải chăm “chồng hờ” mà còn phải chăm luôn cả con cháu ông ta. Những ngày đầu, khi chị có chút tiền mặt họ còn coi trọng chị, sau đó số tiền cạn kiệt, không đủ cho nhà “chồng hờ” ăn sung mặc sướng, chị bị người ta chửi rủa, hắt hủi đủ điều.

Đôi lần, con gái ông Lương còn chửi chị là “đàn bà lăng loàn”, “bám bố tôi dai như đỉa”,… Nghe thế chị không khỏi ấm ức. Còn ông ta, cũng chẳng khá khẩm gì khi đôi lần đánh chị, chửi rằng “không biết sống nên không có con cái”. Cực chẳng đã, thời gian gần đây con trai ông ta thường xuyên về nhà gây sự, đòi tiền chị.

Thấy “vợ hờ” của bố không có tiền lại “ăn nhờ ở đậu” thằng con mất nết cũng xúm vào mắng chửi không tiếc lời. Có hôm nó đuổi đánh chị khắp xóm, hàng xóm can ngăn mãi mới thôi. Nhiều lần thấy chị mặt mày thâm tím, anh em chị đã khuyên chị nên “bỏ quách cho xong”.

Và rồi, trong một buổi chiều tháng 2 mới đây, sau khi bị cả gia đình “chồng hờ” doạ đuổi đánh, chị đã chính thức dứt tình. Thấy chị tỉnh ngộ, bà con lối xóm, anh em họ hàng đều mừng rỡ. Giờ chị đã thấm thía cảnh làm vợ người ta.

“Thà không có còn hơn có chồng như vậy. Tôi thật sự nhận ra sai lầm của mình và muốn sống bình yên quãng thời gian còn lại. Tại tôi quá nông nổi, quá khao khát một gia đình. Cũng may, tôi không mang sổ tiết kiệm chồng cũ để lại đi rút hết, nếu không tôi chẳng còn đồng nào dưỡng già”, chị Mỹ Hà chia sẻ.

Qua câu chuyện “vợ hờ” chuyên gia tâm lý Lê Thảo (TP.HCM) chia sẻ, cô đơn ở tuổi xế chiều nhiều người mong muốn tìm được một người bầu bạn, tuy nhiên vì nóng vội mà không ít người rơi vào bi kịch cuộc đời.

“Tuổi già hãy tỉnh táo, thận trọng khi lựa chọn bạn đời qua mạng xã hội, qua mai mối và những cuộc tình chớp nhoáng. Hãy tìm hiểu kỹ đối phương, hiểu rõ nhu cầu của chính mình rồi đưa ra quyết định quan trọng nhất. Tốt nhất, hãy tham khảo thêm ý kiến của bạn bè người thân bởi người ngoài cuộc luôn có cái nhìn khách quan hơn chúng ta. Đừng vì quá khao khát, mong muốn một mái ấm mà ảo tưởng về một hạnh phúc không có thật. Đừng để mình rơi vào bi kịch và đau đớn lần nữa”, vị chuyên gia phân tích.

 

Thanh Bình

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/noi-dau-vo-ho-tuoi-xe-chieu-a538941.html