Trước đó vào ngày 3/4, Cục Quản lý thị trường Long An phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra 2 cơ sở sản xuất tại ấp Mới 2 (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An) thì phát hiện hành vi tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Lực lượng chức năng đã thu giữ 255 kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng, 830 vỏ hộp khẩu trang y tế nhãn hiệu các loại, 2.000 chiếc khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 cái/hộp) mang nhãn hiệu HAFAVINAPRO, 2.300 chiếc khẩu trang y tế đã đóng vào túi ni lông (10 chiếc/túi ni lông) tại cơ sở của Bà Nguyễn Thị T. ở địa chỉ nêu trên. Ngoài ra, tại cơ sở của bà T. còn có nhiều bộ đồ bảo hộ y tế không có nhãn hiệu, nhiều chai nước rửa tay, diệt khẩu nhiều nhãn hiệu...
Tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Bích Th., cũng ở ấp Mới 2, lực lượng chức năng phát hiện 17.500 chiếc khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 cái/hộp) mang nhãn hiệu HAFAVINAPRO; 2.500 chiếc khẩu trang y tế đã đóng vào hộp (50 chiếc/hộp) mang nhãn hiệu Gauze Mask VINAPRO; 99 chai nước rửa tay nhãn hiệu Handwash, loại 250ml/chai; 33 chai nước rửa tay diệt khuẩn nhãn hiệu BIGCARE loại250ml/chai.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà T. khai Phạm Bảo Quốc (SN 1985, hộ khẩu thường trú huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, nơi tạm trú ở ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam) là người đã giao khẩu trang đã qua sử dụng và hàng lỗi của nhiều công ty khác nhau để cơ sở của bà thực hiện việc tài chế.
Kiểm tra nơi tạm trú của Quốc, lực lượng chức năng phát hiện 2kg tấm lót khẩu trang (khoảng 130 cái/kg), 3kg vải màu xanh và trắng, 15 cái khẩu trang vải thành phẩm, 529kg vải màu các loại.
Theo lời khai của bà T., sau khi mua khẩu trang y tế đã qua sử dụng, hàng lỗi của công ty, bà cho tất cả vào bao chở về nhà và thuê người đến tái chế. Bà T. thuê 3 phụ nữ khác thực hiện các công đoạn tái chế khẩu trang. Cụ thể, bà T. yêu cầu nhân viên chọn những khẩu trang có đủ 4 lớp bị những lỗi đứt dây, may chồng 2 cái, ít nhàu nát… đem ra tái chế. Để chọn được sản phẩm “lành lặn” nhất trong số khẩu trang hư hỏng, công nhân của bà T. đổ từng bao khẩu trang ra tấm bạt nhựa rồi ngồi xung quanh nhặt nhạnh.
Trả lời PV Tạp chí điện tử Người đưa tin pháp luật, bà Th. cho hay, bà chỉ cho bà T. mượn chỗ để cất giữ hàng hóa, chứ không tham gia sản xuất, tái chế khẩu trang y tế. Bà Th. cũng khẳng định, khẩu trang y tế tại nhà T. đều là hàng lỗi của công ty. Do thấy rẻ nên bà T. mang về chỉnh sửa bán kiếm lời.
"Bà ấy mới đem về làm được mấy ngày, chưa kịp bán ra thị trường thì bị cơ quan chức năng phát hiện. Một số cái còn tốt, chúng tôi giữ lại sử dụng nên không phải hàng đã qua sử dụng”, bà Th. trần tình.
Ngoài ra, con trai bà T. cũng khẳng định: “Gia đình tôi không tái chế khẩu trang đã qua sử dụng mà chỉ dùng hàng lỗi do các công ty loại thải”.
“Các sản phẩm này bị lỗi đứt dây, thiếu nẹp, không đúng thiết kế… nên bị loại thải. Khi mua về, mẹ tôi kêu mọi người chọn lọc lại một lần nữa. Nếu cái nào đảm bảo còn đủ 4 lớp và chỉ bị đứt dây, may chồng 2 cái… thì sẽ lấy lại chỉnh lại", người này cho hay.
Hoàng Yên t/h ( Đời sống & Pháp luật)